Nhiều bệnh nhân đi khám bệnh, cảm thấy lo lắng khi bác sĩ chẩn đoán là “rối loạn thần kinh tim”. Họ không rõ đây là tình trạng gì, có nặng lắm không, ảnh hưởng thế nào đến tim và sức khỏe…?
Rối loạn thần kinh tim là gì?
Thần kinh tim ở đây là nói đến hệ thần kinh thực vật. Hệ thần kinh thực vật là một phần của hệ thần kinh, có nhiệm vụ điều khiển hoạt động của nhiều cơ quan như mạch máu, dạ dày, ruột, gan, thận, bàng quang, hệ sinh dục, đồng tử, tuyến mồ hôi, tuyến nước bọt, tuyến tiêu hóa… và cả trái tim của chúng ta. Nhiều tiến trình của cơ thể như là huyết áp, tần số thở, nhịp tim… đều do sự điều khiển của hệ thần kinh thực vật. Hệ thần kinh thực vật làm việc tự động, con người không thể tự ý điều chỉnh hoạt động của hệ thần kinh này, chẳng hạn như không thể bắt tim ngừng đập, hay điều khiển để tim đập nhanh hơn, đập chậm hơn được.
Rối loạn thần kinh tim hay còn gọi là rối loạn thần kinh thực vật, là tên gọi chung của các hiện tượng rối loạn không rõ nguyên nhân liên quan đến các hiện tượng như tim đập nhanh hoặc tim đập chậm, dễ hồi hộp, choáng váng, chóng mặt, ngất hay loạn nhịp tim... Ngoài ra, bệnh nhân còn có thể có cảm giác đau tức, đau nhói, nặng nề ở vùng tim hoặc nặng ngực, mệt mỏi, khi ngủ hay mơ…
Rối loạn thần kinh tim xảy ra là do tình trạng không ổn định của hệ thần kinh thực vật, có thể do căng thẳng thần kinh, do những lo lắng trong cuộc sống, do những tác động đến cơ thể như khói bụi, môi trường sống, khói thuốc lá… Cần lưu ý là đây không phải là một bệnh tim thực thể, có nghĩa là không có thành phần, bộ phận nào của tim bị tổn thương thật sự. Chính vì vậy, khi khám tim, làm các xét nghiệm như điện tâm đồ, siêu âm tim, bác sĩ thường không ghi nhận bất thường nào hoặc tổn thương bệnh lý nào của tim, và trước những triệu chứng kể trên, bác sĩ đưa ra chẩn đoán “rối loạn thần kinh tim”.
Điều trị bệnh thế nào?
Rối loạn thần kinh tim thường lành tính, có tiên lượng tốt và có thể chữa trị hiệu quả khi xác định rõ nguyên nhân dẫn tới rối loạn cũng như nhờ vào sự hợp tác của người bệnh trong việc thay đổi lối sống tốt cho sức khỏe.
Bác sĩ thường hạn chế dùng thuốc điều trị cho những trường hợp rối loạn thần kinh tim. Nếu cần, bác sĩ sẽ kê toa thuốc an thần cho những trường hợp người bệnh xúc động mạnh, khó ngủ hoặc mất ngủ hoặc dùng thuốc làm chậm nhịp tim cho những trường hợp tim đập nhanh, hồi hộp đánh trống ngực, bên cạnh các thuốc hỗ trợ như vitamin B, C..
Một điều quan trọng trong điều trị rối loạn thần kinh tim là người bệnh cần áp dụng lối sống có lợi cho sức khỏe như: không nên thức khuya, sinh hoạt điều độ, có thời gian thư giãn, nghỉ ngơi; sắp xếp đi du lịch khi thuận tiện; tránh những tình huống, những việc có thể gây xúc động quá mức hoặc căng thẳng tinh thần (như đọc truyện tình cảm, xem phim hành động…); tránh sử dụng các chất kích thích như hút thuốc và ngửi khói thuốc, uống rượu, trà đậm, cà phê; tránh ăn uống quá độ, nên ăn nhiều rau quả; cần tập thể dục, chơi thể thao đều đặn…