Táo bón là gì? Hậu quả của táo bón lâu ngày
Táo bón là vấn đề về tiêu hóa bất kỳ ai cũng có thể gặp phải. Mặc dù táo bón ngắn hạn không ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe nhưng táo bón lâu ngày có thể gây ra các nguy cơ tiềm ẩn như bệnh trĩ và các bệnh về hậu môn - trực tràng. Việc hiểu rõ táo bón là gì giúp chúng ta có biện pháp phòng ngừa và cách trị táo bón hiệu quả để tránh các biến chứng nguy hiểm. Hãy cùng Tâm Trí Sài Gòn tìm hiểu chi tiết trong bài viết sau đây!
1. Táo bón là gì
Táo bón là tình trạng rối loạn đường tiêu hóa biểu hiện qua việc đi đại tiện khó, đi không hết phân và phân khô cứng, phải rặn mạnh mới có thể đẩy phân ra ngoài. Theo các chuyên gia y tế định nghĩa, táo bón ở người trưởng thành là việc không đi đại tiện quá 3 ngày; ở trẻ em, một tuần đi đại tiện ít hơn 3 lần thì được xem là táo bón.
Táo bón là bệnh lý tiêu hóa phổ biến mà ai cũng có thể gặp phải
Tình trạng táo bón thường chỉ kéo dài trong thời gian ngắn và có thể cải thiện dễ dàng bằng việc điều chỉnh chế độ ăn uống và thói quen sinh hoạt. Trường hợp táo bón lâu ngày không chỉ ảnh hưởng đến sinh hoạt và chất lượng lâu ngày mà còn có thể tạo thành táo bón mạn tính và gây ra những biến chứng khó lường.
2. Nguyên nhân gây táo bón là gì
Trong chẩn đoán lâm sàng, dựa vào nguyên nhân gây bệnh, táo bón được chia thành hai nhóm là táo bón nguyên phát và táo bón thứ phát.
2.1. Táo bón nguyên phát
- Táo bón có nhu động ruột bình thường: Nguyên nhân do cơ thắt, cơ vòng hậu môn xảy ra bất thường dẫn đến rối loạn cơ chế tống phân.
- Táo bón có nhu động chậm: Nhu động ruột hoạt động kém khiến nhu cầu đi đại tiện ít hơn, dẫn đến táo bón. Loại táo bón này thường gặp ở nữ giới hơn với các triệu chứng như chướng bụng, tần suất đi đại tiện ít.
- Táo bón do rối loạn chức năng sàn chậu: tình trạng này xảy ra khi các khối cơ, dây chằng bị thoái hóa, dẫn đến không thể giữ các cơ quan ở vùng sàn chậu, trong đó có hậu môn và trực tràng nằm ở đúng vị trí. Người bị táo bón dạng này phải rặn nhiều khi đi đại tiện và thường đi không hết phân, cần có hỗ trợ mới có thể tống hết phân ra ngoài.
2.2. Táo bón thứ phát
- Ăn uống, sinh hoạt không khoa học: Chế độ ăn ít chất xơ, ăn nhiều thực phẩm chứa chất béo nguồn gốc động vật, ăn nhiều đường, uống ít nước, sử dụng thường xuyên các chất kích thích như cà phê, trà, rượu cũng như thói quen nhịn hoặc trì hoãn việc đi đại tiện ảnh hưởng không tốt đến hệ tiêu hóa nói chung và gây ra táo bón. Ở trẻ sơ sinh, uống sữa công thức có thể là nguyên nhân gây táo bón ở trẻ.
- Mắc bệnh lý thực thể: Người mắc các bệnh lý liên quan đến ống tiêu hóa như bệnh nứt hậu môn, to trực tràng vô căn, tắc nghẽn ống do khối u, trĩ huyết khối có nguy cơ bị táo bón cao.
- Rối loạn thần kinh: Các vấn đề về tâm lý và một số bệnh lý thần kinh gây rối loạn nội tiết cũng là một tác nhân gây táo bón.
- Các bệnh lý khác: Các vấn đề tâm lý hoặc bệnh về thần kinh; rối loạn nội tiết; bệnh tuyến giáp; bệnh mô liên kết; nhiễm độc chì cũng khiến người bệnh bị táo bón.
- Mang thai: Có nhiều nguyên nhân gây ảnh hưởng đến nhu động ruột và dẫn đến táo bón ở phụ nữ mang thai như sự thay đổi nội tiết tố, chế độ ăn thiếu cân đối giữa các nhóm chất hay áp lực từ tử cung chèn ép lên ruột…
- Dùng một số loại thuốc: Thuốc chống trầm cảm; thuốc kháng cholinergic; thuốc kháng axit; thuốc lợi tiểu; thuốc chống viêm không steroid (ibuprofen, diclofenac); thuốc chứa codein và morphin; thuốc chống co giật… có thể gây táo bón.
Để điều trị bệnh táo bón một cách triệt để, việc chẩn đoán chính xác nguyên nhân là rất quan trọng. Khi biết được nguyên nhân gốc rễ, bác sĩ mới có thể đề xuất phương pháp điều trị phù hợp, từ việc thay đổi chế độ ăn uống, tăng cường hoạt động thể chất cho đến các biện pháp y tế. Điều này không chỉ giúp khắc phục triệu chứng mà còn ngăn ngừa táo bón tái phát, mang lại chất lượng sống tốt hơn cho người bệnh.
3. Dấu hiệu táo bón
Tùy vào đối tượng và mức độ táo bón, người bệnh sẽ có những triệu chứng khác nhau. Sau đây là các dấu hiệu táo bón thường gặp nhất.
- Tần suất đi đại tiện ít hơn 3 lần 1 tuần đối với người trưởng thành. Đối với trẻ sơ sinh, không đi đại tiện trong vòng 3 - 5 ngày được xem là dấu hiệu táo bón.
- Phân khô, cứng, kết cấu có thể lổn nhổn thành từng cục giống phân dê.
- Gặp khó khăn khi đi đại tiện, có cảm giác phân khó ra hoặc ra không hết, phải rặn mạnh để tống phân ra ngoài.
- Chướng bụng, đau bụng âm ỉ, căng tức hậu môn.
- Chán ăn, buồn nôn, ngủ không ngon giấc, tinh thần uể oải.
Bệnh nhân táo bón thường có biểu hiện chán ăn
4. Đối tượng có nguy cơ mắc táo bón
Táo bón là vấn đề về tiêu hóa mà hầu như bất kỳ ai cũng gặp phải ít nhất một lần trong đời. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, các đối tượng sau đây có nguy cơ mắc táo bón cao hơn.
- Người làm công việc ít vận động, ngồi lâu như tài xế, nhân viên văn phòng…
- Người ăn uống không điều độ, ăn ít rau và thường xuyên ăn đồ cay nóng.
- Người lớn tuổi, hệ tiêu hóa kém.
- Phụ nữ mang thai do thay đổi nội tiết tố và chế độ dinh dưỡng dư thừa nhiều chất.
- Trẻ em kén ăn, ăn ít rau xanh và thường xuyên nhịn đi vệ sinh.
- Người thường xuyên trong trạng thái căng thẳng hoặc gặp vấn đề về sức khỏe tâm lý như trầm cảm, lo âu.
5. Táo bón lâu ngày có thể gây ra biến chứng gì
Táo bón tạm thời thường không quá nguy hiểm và tự khỏi sau khi điều chỉnh chế độ ăn uống và thói quen sinh hoạt. Tuy nhiên, trường hợp táo bón lâu ngày và không được điều trị phù hợp có thể dẫn đến các biến chứng:
- Bệnh trĩ: Táo bón khiến người bệnh phải rặn mạnh khi đi đại tiện, làm tăng áp lực lên vùng hậu môn, khiến búi trĩ phát triển to hơn và sà ra ngoài. Khi bệnh trĩ trở nên nghiêm trọng, bệnh nhân có thể bị chảy máu khi đi đại tiện, gây đau đớn và khó chịu.
- Nứt kẽ hậu môn: Do đi đại tiện phân cứng và người bệnh cần phải rặn mạnh gây tổn thương vùng niêm mạc hậu môn, nghiêm trọng hơn là khiến cho các vết nứt xuất hiện, gây đau đớn, chảy máu, và khó chịu.
- Tắc ruột, viêm ruột: Khi bị táo bón, phân khó di chuyển trong ruột, tích trữ lâu ngày có thể gây ra hiện tượng tắc ruột.
- Ung thư hậu môn – trực tràng: Trong phân có thể chứa độc tố và các chất có khả năng gây ung thư như deoxycholic acid, lithocholic acid và các phức hợp nitroso (NOCs). Khi phân ứ đọng trong đại tràng quá lâu, các chất này sẽ kích thích và gây viêm niêm mạc đại tràng. Tình trạng viêm kéo dài làm tăng nguy cơ hình thành ung thư đại tràng.
- Giảm sức đề kháng: Bệnh nhân táo bón thường có biểu hiện chán ăn làm cho cơ thể suy nhược và giảm sức đề kháng.
Táo bón lâu ngày là nguyên nhân gây ra bệnh trĩ
6. Cách trị táo bón hiệu quả
Tùy thuộc vào nguyên nhân gây táo bón, người bệnh có thể áp dụng các biện pháp điều trị tại nhà hoặc sử dụng thuốc và các phương pháp điều trị y khoa dưới sự chỉ định của bác sĩ.
6.1. Điều chỉnh chế độ ăn uống
Chế độ ăn uống ảnh hưởng rất lớn đến hệ tiêu hóa. Để cải thiện chức năng tiêu hóa và thúc đẩy nhu động ruột, người bệnh táo bón có thể điều chỉnh chế độ ăn uống như sau:
- Tăng cường chất xơ: Chất xơ trong thực phẩm có tác dụng thúc đẩy đường ruột hoạt động và giúp cho phân xốp hơn, không bị cứng. Vì vậy, tăng cường bổ sung các loại trái cây và rau củ quả trong các bữa ăn hàng ngày là cách trị táo bón hiệu quả.
- Cung cấp đủ nước cho cơ thể bao gồm cả nước lọc và các loại nước ép trái cây giúp làm mềm phân và kích thích nhu động ruột.
- Tránh xa các thực phẩm dầu mỡ, thực phẩm chứa nhiều đường và hạn chế sử dụng các chất kích thích như cà phê, rượu, bia, thuốc lá…
6.2. Thay đổi lối sống
Duy trì luyện tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày giúp các cơ trong ruột hoạt động hiệu quả hơn, góp phần thúc đẩy tiêu hóa. Bên cạnh đó, người bệnh nên hình thành thói quen đi đại tiện vào một giờ cố định mỗi ngày. Việc này giúp đồng hồ sinh học của cơ thể điều chỉnh ổn định và ngăn chặn thói quen trì hoãn đại tiện, một trong những nguyên nhân gây táo bón.
Vận động thường xuyên giúp đường ruột hoạt động hiệu quả hơn
6.3. Sử dụng thuốc
Đối với các trường hợp táo bón lâu ngày, bác sĩ có thể chỉ sử dụng một số loại thuốc điều trị.
- Đó có thể là thuốc nhuận tràng hoặc thực phẩm chức năng bổ sung chất xơ như Metamucil hoặc Citrucel.
- Thuốc đặc trị làm mềm phân như Docusat để phân thoát ra ngoài dễ hơn.
- Các loại thuốc bôi trơn như Norgalax, Cascara giúp làm giảm tác động của phân lên niêm mạc ống hậu môn.
- Thuốc kích thích ruột co bóp Bisacodyl hoặc Microlax để đẩy phân ra ngoài.
- Thuốc kích thích nhu động ruột như Lactulose....
Khi trị táo bón bằng thuốc, người bệnh cần lưu ý sử dụng đúng liều lượng và hướng dẫn của bác sĩ. Không tự ý sử dụng thuốc trong thời gian dài vì có thể gặp tác dụng phụ đồng thời, đường ruột có thể phụ thuộc mà giảm khả năng co bóp tự nhiên. Đặc biệt, không được sử dụng bất kỳ loại thuốc điều trị táo bón nào đối với trẻ sơ sinh.
6.4. Thụt hậu môn
Trong trường hợp bệnh nhân đã sử dụng các loại thuốc được kê đơn mà tình trạng táo bón vẫn không cải thiện, bác sĩ có thể thực hiện thụt hậu môn. Người bệnh không tự ý áp dụng biện pháp này khi không có sự chỉ dẫn và không được thực hiện bởi bác sĩ hoặc nhân viên y tế.
6.5. Phẫu thuật
Một số tình trạng táo bón cần được phẫu thuật để điều trị như táo bón do ung thư đại trực tràng hoặc bệnh trĩ mãn tính.
7. FAQ
7.1. Khi nào bị táo bón cần đi khám bác sĩ
Táo bón là một tình trạng phổ biến mà nhiều người cho là không quá nguy hiểm. Tuy nhiên, nếu táo bón lâu ngày kéo dài hoặc đi kèm những triệu chứng dưới đây thì bạn nên đi khám ngay để được bác sĩ chẩn đoán và điều trị kịp thời.
- Táo bón kèm theo đau bụng dữ dội: Đây có thể là dấu hiệu của tắc ruột hoặc các vấn đề nghiêm trọng khác.
- Táo bón kèm theo chảy máu trực tràng: Đây có thể là dấu hiệu của bệnh trĩ, polyp đại tràng hoặc ung thư đại trực tràng.
- Táo bón kèm theo sụt cân: Đây có thể là dấu hiệu của ung thư hoặc các bệnh lý nghiêm trọng khác.
- Táo bón kèm theo sốt: Đây có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng.
- Táo bón kèm theo nôn mửa: Đây có thể là dấu hiệu của tắc ruột hoặc các vấn đề khác về tiêu hóa.
7.2. Trẻ sơ sinh bị táo bón có nguy hiểm không
Táo bón ở trẻ sơ sinh không phải là vấn đề hiếm gặp. Khi bị táo bón, trẻ thường có dấu hiệu chán ăn, khó chịu và dễ quấy khóc. Dù ban đầu không gây ra tổn thương nghiêm trọng nhưng nếu không được xử lý kịp thời hoặc táo bón kéo dài có thể dẫn tới những biến chứng nguy hiểm như sa trực tràng, nứt hậu môn… Ngoài ra, trẻ còn có thể phát sinh tâm lý sợ hãi mỗi khi đi đại tiện do cảm giác đau rát khi rặn mạnh.
7.3. Cách phòng ngừa táo bón ở người lớn
Ngoài nguyên nhân bệnh lý, táo bón chủ yếu là hệ quả của việc ăn uống mất cân bằng dinh dưỡng, thói quen ít vận động hoặc căng thẳng quá mức. Vì thế để phòng ngừa táo bón ở người lớn, cách tốt nhất đó là điều chỉnh chế độ ăn uống và thay đổi thói quen sinh hoạt lành mạnh, cụ thể như sau:
- Uống đủ nước.
- Ăn uống đúng giờ và nhai thức ăn kỹ trước khi nuốt để giảm gánh nặng cho hệ tiêu hóa, giúp cơ thể xử lý thức ăn dễ dàng hơn và ngăn ngừa táo bón.
- Bổ sung các loại thực phẩm giàu chất xơ vào thực đơn hàng ngày như rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên cám.
- Hạn chế ăn các loại thực phẩm chứa nhiều đường, thực phẩm giàu chất béo động vật, thực phẩm đóng hộp, thức ăn nhiều dầu mỡ.
- Tránh tiêu thụ quá nhiều nước ngọt đóng chai, trà sữa, cà phê và các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá.
- Duy trì vận động, tập thể dục đơn giản bằng cách chạy bộ, tập yoga ít nhất 3 giờ/tuần.
- Giữ tinh thần thoải mái, tránh căng thẳng.
- Xây dựng thói quen đi đại tiện vào một khung giờ cố định hàng ngày.
- Chủ động thăm khám sức khỏe tổng quát để tầm soát và điều trị sớm các nguyên nhân bệnh lý dẫn tới táo bón như bệnh trĩ, nứt hậu môn, tắc nghẽn ống do khối u, trĩ huyết khối và các bệnh lý về thần kinh hoặc tuyến giáp.
7.4. Sử dụng thuốc nhuận tràng có gây nghiện không?
Sử dụng thuốc nhuận tràng không đúng với chỉ định của bác sĩ và sử dụng trong thời gian dài có thể khiến ruột trở nên phụ thuộc. Hiểu đơn giản, ruột trở nên “lười biếng” và giảm khả năng co bóp tự nhiên khi không có sự hỗ trợ từ thuốc. Một số trường hợp lạm dụng thuốc nhuận tràng còn có nguy cơ gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng như mất cân bằng điện giải, tổn thương niêm mạc ruột…
Để điều trị táo bón an toàn bằng thuốc nhuận tràng, bạn cần lưu ý những điều sau đây:
- Chỉ sử dụng thuốc nhuận tràng khi cần thiết và tuân thủ đúng chỉ dẫn của bác sĩ.
- Tránh dùng thuốc nhuận tràng trong thời gian dài liên tục.
- Kết hợp với các phương pháp tự nhiên như bổ sung thực phẩm giàu chất xơ hoặc bổ sung probiotic để hỗ trợ nhu động ruột.
Bài viết đã cung cấp các kiến thức về bệnh táo bón là gì. Đây là bệnh lý về tiêu hóa phổ biến nhất. Tần suất đi đại tiện ít hơn 3 lần/tuần ở người trưởng thành hoặc 3 - 5 ngày không đi đại tiện ở trẻ em được xem là táo bón. Các dấu hiệu táo bón còn có phân khô cứng, gây khó khăn và đau đớn khi đi đại tiện.
Hầu hết người bệnh táo bón xuất phát từ nguyên nhân ăn uống không điều độ, lười vận động và thường xuyên nhịn đi đại tiện. Mặt khác táo bón có thể do nguyên nhân bệnh lý như bệnh trĩ, nứt hậu môn, to trực tràng vô căn, bệnh lý thần kinh hoặc tuyến giáp. Vì thế, bên cạnh biện pháp phòng ngừa táo bón tốt nhất là điều chỉnh chế độ ăn uống và sinh hoạt khoa học, người bệnh nên khám sức khỏe tổng quát định kỳ để tầm soát và phát hiện sớm các bệnh lý kể trên để kịp thời điều trị.
Khám sức khỏe tổng quát định kỳ để phát hiện sớm các nguyên nhân bệnh lý gây táo bón
Bệnh viện Đa khoa Tâm Trí Sài Gòn không chỉ cung cấp các Gói khám sức khỏe tổng quát mà còn là đơn vị có uy tín trong điều trị các bệnh lý về tiêu hóa. Với đội ngũ bác sĩ có chuyên môn giỏi và giàu kinh nghiệm cùng trang thiết bị y tế hiện đại, chúng tôi tự hào được đông đảo bệnh nhân tin tưởng lựa chọn. Để đặt lịch khám Quý khách vui lòng liên hệ Hotline 0974.508.479 hoặc nhắn tin cho chúng tôi qua Fanpage Bệnh Viện Đa Khoa Tâm Trí Sài Gòn.