Bác sĩ thường trực 0901 696 115
Hotline CSKH 0974 508 479
Giới thiệu về chúng tôi

11 CÁCH TRỊ TÁO BÓN TẠI NHÀ KHÔNG CẦN DÙNG THUỐC

Thứ hai, 21/10/2024, 07:22 GMT+7

11 cách trị táo bón tại nhà không cần dùng thuốc

Táo bón là một rối loạn tiêu hóa phổ biến, có thể xảy ra do thay đổi chế độ sinh hoạt, ăn uống hoặc do căng thẳng. Táo bón thường xuyên không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn gây nhiều phiền toái, làm giảm chất lượng cuộc sống. Thay vì phải dùng thuốc, bạn hoàn toàn có thể áp dụng nhiều cách trị táo bón hiệu quả ngay tại nhà. Trong bài viết này, Tâm Trí Sài Gòn sẽ chia sẻ đến bạn 11 cách chữa táo bón tại nhà đơn giản, giúp bạn nhanh chóng chấm dứt tình trạng này và cải thiện sức khỏe tiêu hóa một cách tự nhiên.

1. Táo bón lâu ngày có thể gây ra biến chứng gì

Cuộc sống bận rộn và áp lực khiến nhiều người thường xuyên đối mặt với tình trạng táo bón, gây không ít phiền toái và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Vậy táo bón là gì? Táo bón lâu ngày có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm gì?

Tình trạng táo bón có thể xảy ra khi đột ngột thay đổi chế độ sinh hoạt và ăn uống, khi căng thẳng hoặc khi sử dụng một số loại thuốc và thường sẽ biến mất sau vài ngày. Tuy nhiên, táo bón lâu ngày nếu không được điều trị có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm, có thể kể đến như:

  • Bệnh trĩ: Đây là biến chứng thường gặp nhất ở những người bị táo bón mạn tính. Việc phải rặn mạnh trong thời gian dài gây giãn các tĩnh mạch xung quanh hậu môn và trực tràng, dẫn đến hình thành búi trĩ. Người bệnh sẽ cảm thấy đau rát, thậm chí là chảy máu khi đi đại tiện.
  • Nứt kẽ hậu môn: Phân to, khô cứng khiến người bệnh phải rặn mạnh mới có thể đẩy phân ra ngoài. Điều này có thể gây ra những vết rách ở niêm mạc hậu môn,gây đau, gây chảy máu mỗi khi đi đại tiện.
  • Sa trực tràng: Việc phải rặn mạnh thường xuyên có thể khiến một phần hoặc toàn bộ trực tràng trượt khỏi vị trí bình thường và bị sa ra ngoài hậu môn. Tình trạng này khiến người bệnh cảm thấy ngứa và khó chịu ở hậu môn, thậm chí là chảy máu tươi khi đi đại tiện.
  • Tắc ruột: Táo bón lâu ngày dẫn đến tình trạng ứ phân, làm cản trở sự lưu thông trong ruột, gây ra tắc nghẽn ruột. Triệu chứng của người bệnh bao gồm đau bụng dữ dội, buồn nôn, nôn mửa, chán ăn, chuột rút. Nếu kéo dài, đường ruột có thể bị nhiễm trùng và cần phải can thiệp y tế để điều trị.

Táo bón lâu ngày gây biến chứng nguy hiểm

Táo bón lâu ngày nếu không được điều trị có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm

Mặc dù táo bón nhất thời không ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe nhưng nếu kéo dài có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm và làm giảm chất lượng cuộc sống. Vì vậy, việc tìm hiểu cách trị táo bón và áp dụng kịp thời không chỉ giúp giảm khó chịu mà còn cải thiện sức khỏe tiêu hóa và ngăn ngừa các bệnh lý kể trên.

2. Cách trị táo bón tại nhà hiệu quả

Thay vì phải sử dụng thuốc, những cách trị táo bón tại nhà dưới đây tuy đơn giản nhưng mang lại hiệu quả tích cực, giúp cải thiện nhanh chóng tình trạng đi ngoài khó khăn mà nhiều người đang mắc phải.

2.1. Uống đủ nước - cách trị táo bón ai cũng có thể áp dụng

Thiếu nước là một trong những nguyên nhân gây táo bón ở trẻ em và cả người lớn. Cung cấp đủ nước giúp cơ thể trao đổi chất tốt hơn, hỗ trợ làm mềm phân, từ đó giúp đại tiện diễn ra thuận lợi. Vì vậy, hãy cố gắng uống ít nhất 1,5 lít nước mỗi ngày, đặc biệt là nước ấm vào buổi sáng để kích thích tiêu hóa. Đồng thời, bạn cũng nên hạn chế tiêu thụ các loại nước ngọt, nước có ga để bảo vệ sức khỏe tiêu hóa.

Cách chữa táo bón tại nhà ai cũng áp dụng được

Uống đủ nước mỗi ngày là cách chữa táo bón tại nhà đơn giản, ai cũng có thể áp dụng

2.2. Cách chữa táo bón bằng bổ sung chất xơ

Đây là một trong những cách trị táo bón tại nhà đem lại hiệu quả lâu dài. Chất xơ có tác dụng tăng cường nhu động ruột và hỗ trợ làm mềm phân. Rau xanh, các loại củ, các loại hạt, trái cây và ngũ cốc là những loại thực phẩm giàu chất xơ mà bạn nên thêm vào thực đơn hàng ngày. Đặc biệt, chất xơ hòa tan có nhiều trong chuối, bơ, cà rốt, yến mạch, đậu Hà Lan… còn có khả năng hấp thụ nước để tạo thành một lớp gel, nhờ đó khi đi đại tiện sẽ dễ đẩy phân ra ngoài.

Cách trị táo bón bằng bổ sung chất xơ

Chất xơ trong rau xanh, củ quả giúp làm mềm phân, cải thiện tình trạng táo bón

2.3. Tăng cường tập thể dục thể thao

Tăng cường các hoạt động thể chất giúp kích thích nhu động ruột, từ đó hỗ trợ quá trình đào thải phân dễ dàng. Nếu là người không vận động thường xuyên, bạn có thể bắt đầu với các hoạt động nhẹ nhàng như chạy bộ, đạp xe, tập yoga. Hãy cố gắng duy trì tập luyện 30 phút mỗi ngày và ít nhất 5 ngày mỗi tuần để thấy được sự cải thiện rõ rệt nhất.

Tập thể dục để cải thiện tiêu hóa

Tăng cường vận động thể chất để kích thích nhu động ruột hoạt động hiệu quả hơn

2.4. Bổ sung probiotic

Probiotic là các loại vi khuẩn có lợi sống trong đường ruột, giúp cân bằng hệ vi sinh và cải thiện tiêu hóa. Vì vậy bổ sung probiotic từ sữa chua, các loại men vi sinh hoặc thực phẩm lên men như kim chi, dưa cải là cách trị táo bón tại nhà vô cùng đơn giản nhưng đem lại hiệu quả tích cực.

Cách trị táo bón bằng bổ sung probiotic

Các vi khuẩn có lợi giúp hỗ trợ quá trình tiêu hóa, ngăn ngừa táo bón

2.5. Kiểm soát căng thẳng

Căng thẳng quá mức có thể làm gián đoạn hoạt động của hệ tiêu hóa, dẫn đến táo bón. Để cải thiện và ngăn ngừa táo bón, thực hiện các biện pháp kiểm soát căng thẳng là cần thiết. Các hoạt động như yoga, thiền định hoặc nghe nhạc sẽ giúp thư giãn trí óc, giải tỏa stress. Ngoài ra, duy trì thói quen ngủ đủ giấc, ngủ ít nhất 7 tiếng mỗi ngày sẽ giúp cơ thể phục hồi và giảm căng thẳng, từ đó hỗ trợ hệ tiêu hóa hoạt động ổn định hơn.

2.6. Duy trì thói quen đi vệ sinh mỗi ngày

Xây dựng thói quen đi đại tiện vào một khung giờ cố định mỗi ngày sẽ giúp cơ thể hình thành "đồng hồ sinh học" tự nhiên. Điều này giúp việc đi vệ sinh trở nên đều đặn hơn, từ đó ngăn ngừa được tình trạng táo bón. Thời điểm lý tưởng để đi đại tiện là vào buổi sáng sau khi thức dậy vì lúc này hệ tiêu hóa đã sẵn sàng hoạt động sau một đêm dài nghỉ ngơi.

2.7. Điều chỉnh tư thế đi vệ sinh

Bồn cầu ngày nay được thiết kế theo hai kiểu ngồi phổ biến là ngồi xổm và ngồi bệt. Trong đó, tư thế tư thế ngồi bệt được ưa chuộng hơn vì tiện lợi, sạch sẽ và đỡ mỏi chân. Tuy nhiên, khi ngồi bình thường, ruột và cơ co thắt hậu môn sẽ tạo thành một góc 90 độ, gây khó khăn trong việc di chuyển phân ra bên ngoài.

Tư thế ngồi xổm giúp trực tràng được mở rộng nên đại tiện dễ dàng hơn. Với tư thế ngồi bệt, bạn có thể kê thêm một chiếc ghế nhỏ dưới chân. Tư thế này giúp điều chỉnh góc độ giữa ruột và hậu môn, từ đó làm giảm áp lực chèn ép lên cơ co thắt và giúp phân dễ dàng thoát ra ngoài hơn.

Cách trị táo bón bằng việc điều chỉnh tư thế đại tiện

Tư thế bệt ngồi góc 35 độ giảm áp lực chèn ép cơ co thắt, giúp phân thoát ra ngoài dễ dàng hơn

2.8. Massage vùng chậu

Massage vùng chậu không chỉ kích thích nhu động ruột mà còn giảm cảm giác căng cứng và khó chịu ở bụng, giúp việc đại tiện diễn ra thuận lợi hơn. Thao tác thực hiện rất đơn giản, bạn dùng lòng bàn tay hoặc các ngón tay, nhẹ nhàng xoa bóp vùng bụng dưới theo chiều kim đồng hồ. Hãy bắt đầu động tác từ phía bên phải bụng, xoa tròn theo đường vòng cung từ phải sang trái, di chuyển xuống dưới và dọc theo chiều dài của ruột.

Bạn nên thực hiện động tác massage này trong khoảng 10 - 15 phút mỗi ngày, tập trung vào các vùng từ rốn trở xuống và nhớ điều chỉnh lực ấn nhẹ nhàng để tránh gây đau. Khi massage, hãy kết hợp với việc hít thở sâu, hít vào bằng mũi và thở ra từ từ qua miệng. Điều này giúp cơ thể thư giãn và hỗ trợ chức năng tiêu hóa.

2.9. Uống trà thảo mộc

Cách trị táo bón bằng các loại thảo mộc từ lâu đã được lưu truyền rộng rãi trong dân gian. Bạn có thể kết hợp các loại thảo mộc này trong chế biến thức ăn hàng ngày hoặc đơn giản nhất là pha trà để uống. Dưới đây là các loại trà thảo mộc phổ biến mà bạn có thể dùng hàng ngày để hỗ trợ tiêu hóa và cải thiện tình trạng táo bón:

  • Trà gừng: Gừng là một vị thuốc có tính ấm, giúp làm dịu đường tiêu hóa, kích thích sự co bóp của dạ dày và ruột. Vậy nên, uống trà gừng có thể giúp phân mềm và dễ đi đại tiện hơn.
  • Trà bạc hà: Tinh dầu bạc hạ có tác dụng làm dịu cơn đau dạ dày và kích thích nhu động ruột hoạt động hiệu quả hơn.
  • Trà hoa cúc: Hoa cúc có tác dụng hỗ trợ tiêu hóa và giúp giảm căng thẳng. Uống trà hoa cúc thường xuyên không chỉ giúp điều hòa hệ tiêu hóa mà còn giúp thư giãn tinh thần, một yếu tố quan trọng trong việc kiểm soát táo bón do căng thẳng.
  • Trà đen hoặc trà xanh: Cả hai loại trà này đều chứa caffeine, một chất có thể kích thích nhu động ruột, giúp cải thiện tình trạng táo bón. Tuy nhiên, chỉ nên uống với lượng vừa phải vì caffeine khiến chúng ta đi tiểu nhiều, có thể dẫn đến mất nước.

Cách trị táo bón bằng thảo mộc

Các loại thảo mộc như gừng, hoa cúc, bạc hà rất tốt cho hệ tiêu hóa

2.10. Uống nước ép táo, mận

Táo và mận không chỉ giàu chất xơ mà còn chứa nhiều sorbitol, một loại đường tự nhiên có tác dụng nhuận tràng, giúp phân mềm và dễ dàng hơn khi đi đại tiện.

2.11. Bổ sung glucomannan

Glucomannan là một loại chất xơ hòa tan được chiết xuất từ rễ cây konjac, giúp cải thiện nhu động ruột đồng thời có khả năng cân bằng hệ vi sinh đường ruột do có cơ chế hoạt động như một probiotic. Bạn có thể bổ sung loại chất xơ hòa tan này qua các loại thực phẩm chức năng hoặc ăn các loại mì, shirataki có thành phần chiết xuất từ cây konjac.

3. Cách chữa táo bón ngay lập tức bằng thuốc và những lưu ý cần biết

Các cách chữa táo bón tại nhà được giới thiệu ở phần trên yêu cầu người bệnh phải thực hiện trong thời gian dài để cải thiện tình trạng táo bón. Đối với trường hợp táo bón gây đau đớn và cần tìm cách chữa táo bón ngay lập tức, bạn có thể tham khảo sử dụng một số loại thuốc dưới đây.

  • Thuốc nhuận tràng làm trơn: Cơ chế của loại thuốc này là tạo ra một lớp bôi trơn bao quanh phân để phân di chuyển dễ dàng hơn. Thuốc thường được điều chế thành dầu khoáng dưới dạng uống hoặc thụt.
  • Thuốc nhuận tràng thẩm thấu: Đây là loại thuốc có tác dụng giữ nước trong ruột, nhờ đó làm mềm phân và dễ đi đại tiện hơn. Một số loại thuốc được sử dụng phổ biến như lactulose, polyethylene glycol (MiraLAX)... Tuy nhiên, nếu sử dụng lâu dài có thể gây ra một số triệu chứng như đầy hơi, đau bụng hoặc mất cân bằng điện giải.
  • Thuốc nhuận tràng kích thích: Là những loại thuốc kích thích niêm mạc ruột và làm tăng nhu động ruột để hỗ trợ đẩy phân ra ngoài. Thuốc nhuận tràng kích thích thường dùng nhất là Bisacodyl và chỉ thường được chỉ định khi thật sự cần thiết vì nếu lạm dụng nhiều có khả năng giảm hoạt động tự nhiên của ruột.
  • Thuốc thụt hậu môn và thuốc bơm: Đối với trường hợp táo bón nặng, đã thực hiện các cách chữa táo bón kể trên nhưng không hiệu quả, người bệnh có thể được chỉ định thụt táo bón bằng các loại thuốc thụt hoặc thuốc bơm dưới sự chỉ dẫn của bác sĩ.

Cách trị táo bón bằng thuốc cần được thực hiện một cách cẩn thận, dưới sự hướng dẫn và theo dõi của bác sĩ chuyên môn. Để đảm bảo an toàn và hiệu quả, dưới đây là một số điều bạn cần lưu ý:

  • Tham khảo ý kiến bác sĩ: Trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ đồng thời chia sẻ về các bệnh nền của bạn (nếu có) để được tư vấn về loại thuốc phù hợp, liều dùng và thời gian sử dụng. 
  • Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng: Trước khi dùng thuốc, hãy luôn đọc kỹ hướng dẫn sử dụng để hiểu rõ cách dùng và liều lượng khuyến cáo.
  • Không tự ý tăng liều hoặc thời gian sử dụng: Việc lạm dụng thuốc nhuận tràng hoặc dùng quá liều có thể gây ra những tác dụng phụ như tiêu chảy, đau bụng, mất nước và mất cân bằng điện giải. Điều này cũng có thể làm ruột trở nên "lười biếng" và phụ thuộc vào thuốc.
  • Kết hợp với các biện pháp khác: Thuốc chỉ là một phần trong quá trình điều trị táo bón. Bạn nên kết hợp với việc điều chỉnh chế độ ăn uống, vận động thường xuyên và kiểm soát căng thẳng để đạt hiệu quả tối ưu.
  • Theo dõi các tác dụng phụ: Nếu xuất hiện các tác dụng phụ như đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn, hãy ngừng sử dụng thuốc và thông báo cho bác sĩ.
  • Nếu tình trạng táo bón kéo dài trên 2 tuần hoặc người bệnh có những biểu hiện bất thường như đau bụng dữ dội, trong phân có lẫn máu, sụt cân bất thường… thì cần đi khám bác sĩ càng sớm càng tốt để được điều trị kịp thời và ngăn ngừa nguy cơ biến chứng nguy hiểm.

Cách trị táo bón khi có triệu chứng bất thường

Người bệnh cần thăm khám bác sĩ sớm nếu tình trạng táo bón kèm theo những triệu chứng bất thường

Hi vọng những cách trị táo bón được Tâm Trí Sài Gòn giới thiệu trong bài viết này sẽ giúp bạn sớm tạm biệt những khó chịu do bệnh lý này gây ra. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng các cách chữa táo bón tại nhà thường mang tính hỗ trợ, cải thiện tình trạng nhẹ. Đối với các trường hợp táo bón lâu ngày hoặc đi kèm với các triệu chứng bất thường, bạn nên đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị đúng cách.

Tại TP.HCM, BVĐK Tâm Trí Sài Gòn là một trong những cơ sở khám chữa bệnh được đông đảo người dân tin tưởng lựa chọn. Với đội ngũ y bác sĩ giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm cùng hệ thống trang thiết bị y tế hiện đại, Tâm Trí Sài Gòn đã chẩn đoán và điều trị hiệu quả cho hàng ngàn bệnh nhân. Đặc biệt, chăm sóc sức khỏe tiêu hóa là một trong số những lĩnh vực nổi bật tại bệnh viện, đảm bảo mang lại sự an tâm và chất lượng điều trị tốt nhất cho người bệnh.

Liên hệ cho chúng tôi qua HOTLINE 0974.508.479 hoặc nhắn tin qua Fanpage Bệnh Viện Đa Khoa Tâm Trí Sài Gòn để đặt lịch khám hoặc hỗ trợ tư vấn nhanh nhất!


marketing
TAG:
dathongbao