U xơ tử cung là một trong những bệnh lý phổ biến nhất ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. “U xơ tử cung có nguy hiểm không?”, “Kích thước u xơ bao nhiêu thì cần mổ?”... là những câu hỏi mà nhiều chị em quan tâm khi tìm hiểu về căn bệnh này. Trong bài viết này, Tâm Trí Sài Gòn sẽ giải đáp những thắc mắc này cũng như chia sẻ cách phòng ngừa và điều trị u xơ tử cung hiệu quả. Cùng tìm hiểu nhé!
1. U xơ tử cung có nguy hiểm không?
U xơ tử cung là những khối u lành tính hình thành từ tế bào cơ trơn của tử cung. U xơ có thể phát triển đơn độc hoặc có thể xuất hiện cùng lúc nhiều khối u ở bất kỳ vị trí nào trong tử cung, từ lớp cơ đến lớp niêm mạc.
Kích thước u xơ tử cung bao nhiêu là to thì không có câu trả lời cụ thể vì kích thước khối u ở mỗi người là khác nhau. U xơ có thể chỉ nhỏ vài mm nhưng cũng có thể phát triển đến hàng chục cm. Vậy u xơ tử cung có nguy hiểm không?
Nhiều chị em lo lắng u xơ tử cung có nguy hiểm không?
Mặc dù không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng nếu không phát hiện sớm và điều trị đúng cách, u xơ cổ tử cung có thể gây ra nhiều biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người bệnh, như:
- Rối loạn kinh nguyệt: Kinh nguyệt ra nhiều, kéo dài, rong kinh, rong huyết.
- Đau bụng dưới: Đau bụng kinh kéo dài, đau vùng chậu.
- Tiểu tiện thường xuyên: Do khối u chèn ép vào bàng quang.
- Táo bón: Do khối u chèn ép vào ruột.
- Sảy thai hoặc khó thụ thai: Nếu u xơ tử cung mọc ở vị trí cản trở quá trình thụ tinh hoặc làm tổ của trứng.
- Cảm giác tức bụng dưới: Do khối u lớn chèn ép vào các cơ quan xung quanh.
2. Nguyên nhân gây u xơ tử cung
Đến nay, nguyên nhân chính xác gây ra u xơ tử cung vẫn chưa được xác định rõ ràng. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra các yếu tố dưới đây có liên quan đến sự hình thành và phát triển của u xơ tử cung:
- Hormone: Estrogen và progesterone có ảnh hưởng đến quá trình phát triển của u xơ tử cung. Kích thước u xơ tăng lên khi nồng độ các hormone này cao, đặc biệt là khi phụ nữ mang thai. Ngược lại, khi bệnh nhân bước vào giai đoạn tiền mãn kinh, u xơ thường có xu hướng teo nhỏ lại.
- Di truyền: Nếu trong gia đình có người thân như mẹ, chị gái mắc u xơ tử cung thì tỷ lệ mắc bệnh cũng cao hơn.
- Chủng tộc: Phụ nữ da đen có nguy cơ mắc bệnh cao hơn so với phụ nữ da trắng.
- Lối sống: Một số nghiên cứu cho thấy, chế độ ăn nhiều thịt đỏ, ăn ít rau xanh và trái cây có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Đặc biệt, phụ nữ béo phì có nguy cơ mắc u xơ cổ tử cung cao hơn cũng như triệu chứng nghiêm trọng hơn.
3. U xơ tử cung có nguy cơ phát triển thành ung thư không?
U xơ tử cung là một trong những bệnh lý phụ khoa thường gặp nhất ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Tuy nhiên, các khối u thường lành tính và nguy cơ phát triển thành ung thư rất hiếm khi xảy ra.
Mặc dù vậy, người bệnh không nên chủ quan mà cần theo dõi và kiểm tra định kỳ vì u xơ có thể gây một số triệu chứng ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh hoạt hàng ngày. Khối u kích thước quá lớn có thể gây biến dạng tử cung, chèn ép các cơ quan xung quanh và đe dọa trực tiếp đến tính mạng.
4. U xơ tử cung có nguy hiểm đối với phụ nữ mang thai không?
Trong thai kỳ, nội tiết tố tăng cao tạo điều kiện cho u xơ tử cung lớn nhanh, có thể gây chèn ép và ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của thai nhi. Phụ nữ bị u xơ tử cung khi mang thai có thể gặp phải một số biến chứng như sau:
- Sảy thai hoặc thai lưu do khối u xơ chèn ép có thể làm lớp nội mạc tử cung không phát triển đủ, khiến thai nhi khó bám vào thành tử cung.
- U xơ có thể gây co thắt tử cung sớm, dẫn đến sinh non.
- Khối u xơ có thể chèn ép vào nhau thai, gây nhau tiền đạo, ảnh hưởng đến quá trình cung cấp oxy và chất dinh dưỡng cho thai nhi.
- Nếu u xơ có cuống, cuống này có thể bị xoắn, gây đau bụng dữ dội và ảnh hưởng đến tuần hoàn máu.
- U xơ có thể làm thay đổi hình dạng tử cung, gây khó khăn trong quá trình chuyển dạ, thậm chí cần phải sinh mổ.
5. Chẩn đoán u xơ tử cung
Để chẩn đoán u xơ tử cung, bác sĩ sẽ khai thác các triệu chứng và thăm khám lâm sàng để chỉ định bệnh nhân thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng phù hợp:
- Siêu âm: Siêu âm là phương pháp chẩn đoán hình ảnh phổ biến nhất để xác định kích thước, số lượng và vị trí của u xơ tử cung.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI): Phương pháp này cung cấp hình ảnh chi tiết của tử cung, giúp bác sĩ đánh giá chính xác đặc điểm của khối u xơ cũng như phân biệt với các loại u ác tính khác.
- Xét nghiệm máu: Nhằm giúp bác sĩ đánh giá tình trạng thiếu máu và loại trừ tác nhân nhiễm trùng gây ra các triệu chứng tương tư.
- Nội soi tử cung: Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định nội soi tử cung để lấy mẫu mô đi sinh thiết.
6. Cách điều trị u xơ tử cung
Việc điều trị u xơ tử cung phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: kích thước, vị trí của khối u, tuổi của bệnh nhân, mong muốn có con và các triệu chứng lâm sàng.
- Theo dõi định kỳ: Áp dụng đối với bệnh nhân phát hiện u xơ kích thước nhỏ và không gặp bất kỳ triệu chứng nào hoặc bệnh nhân trong độ tuổi tiền mãn kinh hoặc ở giai đoạn mãn kinh vì khi đó, u xơ thường tự co lại.
- Điều trị nội khoa: Bệnh nhân u xơ tử cung có các triệu chứng không quá nghiêm trọng như rong kinh, rong huyết… có thể được điều trị bằng thuốc để làm nhỏ kích thước khối u và giảm nhẹ triệu chứng.
- Điều trị can thiệp ít xâm lấn: Với sự phát triển của y học hiện nay, người bệnh có thêm nhiều lựa chọn giúp cải thiện sức khỏe, hạn chế xâm lấn đồng thời bảo tồn được chức năng mang thai như đốt sóng cao tần RFA, nút mạch…
- Phẫu thuật: Đây là phương pháp can thiệp trực tiếp vào các khối u và loại bỏ chúng, nhằm cải thiện nhanh các triệu chứng và hạn chế tái phát. Các phương pháp phẫu thuật hiện nay bao gồm phẫu thuật bóc u xơ và phẫu thuật cắt tử cung, thường được chỉ định trong các trường hợp u xơ gây triệu chứng nguy hiểm như:
- Gây vô sinh hoặc sảy thai.
- Rong kinh, rong huyết đã điều trị nội khoa nhưng không cải thiện.
- Khối u kích thước lớn chèn ép các cơ quan xung quanh như bàng quang gây tiểu rắt, đại tràng gây tiêu chảy hoặc táo bón.
- Khối u gây biến dạng tử cung.
- U xơ tử cung gây biến chứng nhiễm khuẩn.
7. Phòng ngừa u xơ tử cung
Mặc dù chưa có cách nào để phòng ngừa hoàn toàn u xơ tử cung, nhưng bạn có thể giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh bằng các biện pháp sau đây:
- Chế độ ăn uống lành mạnh: Ăn nhiều rau xanh, trái cây, hạn chế đồ thịt đỏ, thức ăn nhanh, nhiều dầu mỡ…
- Tập thể dục đều đặn: Giúp cơ thể khỏe mạnh và tăng cường sức đề kháng.
- Kiểm tra sức khỏe định kỳ: Giúp phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời.
Bài viết đã cung cấp cho chị các kiến thức về bệnh lý u xơ tử cung cũng như giải đáp thắc mắc “U xơ tử cung có nguy hiểm không?”. Đây là một bệnh lý phổ biến ở phụ nữ, có thể ảnh hưởng đến khả năng mang thai và gây ra nhiều triệu chứng phiền toái như rối loạn kinh nguyệt, đau bụng, táo bón… Vì vậy, chị em không nên chủ quan mà cần thăm khám định kỳ cũng như điều chỉnh chế độ ăn uống và lối sống để phòng ngừa cũng như hỗ trợ điều trị hiệu quả.