Viêm gan B là gì? Làm thế nào để biết mình bị viêm gan B

Tuesday, 10/09/2024, 10:08 GMT+7

Viêm gan B là gì? Làm thế nào để biết mình bị viêm gan B

Viêm gan B là một bệnh lý nhiễm trùng gan phổ biến nhất hiện nay. Bệnh có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như suy gan, xơ gan và ung thư gan nếu như không được phát hiện và điều trị kịp thời. Điều đáng lo ngại là triệu chứng của viêm gan B thường không rõ ràng khiến cho nhiều người mắc bệnh mà không hề hay biết. Vì vậy, việc hiểu rõ “viêm gan B là gì” và dấu hiệu nhận biết viêm gan B là vô cùng quan trọng để bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng.

Bệnh viêm gan B là gì

Theo thống kê của Tổ chức y tế thế giới (WHO), trên toàn cầu hiện có hơn 2 tỷ người mắc viêm gan B. Trong đó, Việt Nam là một trong các quốc gia có tỷ lệ nhiễm virus viêm gan B cao nhất, chiếm khoảng 20% dân số, nguy hiểm hơn đó là họ không biết mình mắc bệnh. Thực tế chỉ có khoảng 10% bệnh nhân được chẩn đoán theo ước tính của Bộ Y tế. Cùng Tâm Trí Sài Gòn tìm hiểu bệnh viêm gan B là gì và dấu hiệu nhận biết bệnh ngay sau đây!

Viêm gan B hay còn có tên gọi khác là viêm gan siêu vi B là một bệnh nhiễm trùng gan do virus viêm gan B (HBV) gây ra. Bệnh không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến chức năng gan mà còn có khả năng gây ra những biến chứng nguy hiểm như suy gan, xơ gan và ung thư gan.

biến chứng viêm gan b

Viêm gan B có khả năng gây biến chứng nguy hiểm như xơ gan, ung thư gan

Bệnh viêm gan B được chia thành hai dạng là cấp tính và mạn tính.

  • Viêm gan B cấp tính: Tình trạng nhiễm trùng diễn ra trong thời gian ngắn, thường kéo dài không quá 6 tháng. Ở giai đoạn này, đa số người bệnh không có triệu chứng hoặc chỉ bị nhẹ. Đối với người trưởng thành, khoảng 90% các trường hợp sẽ tự khỏi nhờ khả năng tự đào thải virus của hệ miễn dịch, nhưng cũng có trường hợp virus không được loại bỏ và bệnh sẽ tiến triển thành mạn tính.
  • Viêm gan B mạn tính: Tình trạng viêm gan B kéo dài trên 6 tháng mà virus HBV không thể bị loại bỏ và tiếp tục tồn tại trong gan và máu, âm thầm gây tổn hại đến gan. Đây là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến suy gan, xơ gan, ung thư gan. Theo thống kê của WHO, độ tuổi mắc viêm gan B cấp tính càng nhỏ thì nguy cơ bệnh tiến triển thành mạn tính càng cao.

Nguyên nhân gây bệnh viêm gan B

Virus viêm gan B hay virus HBV có cơ chế lây truyền tương tự như virus HIV. Tuy nhiên, virus HBV có thể tồn tại bên ngoài cơ thể tối thiểu 7 ngày với khả năng lây nhiễm cao gấp 100 lần so với virus HIV. Nó xâm nhập vào cơ thể qua 3 con đường sau:

  • Lây truyền qua đường máu: Virus HBV được tìm thấy nhiều nhất trong máu của người mắc bệnh. Do đó việc sử dụng chung các dụng cụ dễ dính máu như bơm kim tiêm, dao cạo râu, bàn chải đánh răng… làm tăng nguy cơ bị lây nhiễm.
  • Lây truyền từ mẹ sang con: Đây là còn đường lây truyền bệnh phổ biến nhất. Tuy nhiên, mức độ lây nhiễm còn phụ thuộc vào thời điểm nhiễm bệnh của mẹ.
  • Lây truyền qua đường tình dục: Quan hệ tình dục không sử dụng biện pháp an toàn với người bị viêm gan B tạo điều kiện cho virus lây truyền qua tinh dịch hoặc dịch âm đạo.

​Tìm hiểu chi tiết: Bệnh viêm gan B lây qua đường nào

viêm gan b là gì

Viêm gan B là một bệnh nhiễm trùng gan do virus HBV gây ra

Dấu hiệu nhận biết viêm gan B là gì

Viêm gan B là căn bệnh “nhiễm trùng thầm lặng” vì không có triệu chứng rõ ràng, đặc biệt ở giai đoạn đầu. Mức độ biểu hiện triệu chứng cũng thay đổi tùy theo từng đối tượng. Một số bệnh nhân không có triệu chứng gì cả trong khi số còn lại có thể xuất hiện các triệu chứng như:

  • Sốt nhẹ
  • Thường xuyên mệt mỏi
  • Chán ăn và buồn nôn chán ăn
  • Đau bụng vùng dưới, đặc biệt là bên hạ sườn phải
  • Nước tiểu đậm màu, phân nhạt màu
  • Vàng da, vàng mắt

Đối với hầu hết bệnh nhân mắc viêm gan B mạn tính, thường không xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào trong nhiều năm, hoặc nếu có thì tương tự giai đoạn cấp tính. Tuy nhiên, khi các dấu hiệu nhận biết viêm gan B bắt đầu rõ ràng sau một thời gian dài nhiễm bệnh, khả năng cao bệnh đã biến chứng thành xơ gan hoặc thậm chí là ung thư gan.

Chẩn đoán và xét nghiệm viêm gan B

Để chẩn đoán bệnh viêm gan B, bệnh nhân sẽ được chỉ định tiến hành các xét nghiệm máu cần thiết. Các xét nghiệm viêm gan B phổ biến hiện nay bao gồm:

  • Xét nghiệm HBsAg (Kháng nguyên bề mặt viêm gan B): Xét nghiệm này thường được chỉ định đầu tiên để xác định sự hiện diện của kháng nguyên bề mặt virus HBV. Nếu kết quả dương tính, tức là người đó đã nhiễm virus viêm gan B.
  • Xét nghiệm Anti-HBs (Kháng thể chống viêm gan B): Anti-HBs là kháng thể miễn dịch với virus viêm gan B tồn tại trong cơ thể do đã tiêm vắc xin trước đó hoặc đã từng nhiễm HBV nhưng đã khỏi bệnh. Xét nghiệm này cho kết quả dương tính tức là cơ thể có khả năng miễn dịch với virus.
  • Xét nghiệm HBeAg (Kháng nguyên viêm gan B nội sinh): HBeAg là một đoạn kháng nguyên vỏ capsid của virus HBV. Xét nghiệm này dương tính chứng tỏ virus đang nhân lên và có khả năng lây lan mạnh. Trường hợp kết quả âm tính có 2 khả năng đó là virus không hoạt động hoặc virus ở thể đột biến.
  • Xét nghiệm Anti-HBc (Kháng thể lõi viêm gan B): Kháng thể HBcAb có 2 loại là immunoglobulin M (IgM) và Immunoglobulin G. HBcAb IgM gia tăng nhanh chóng ở giai đoạn viêm gan B cấp hoặc đợt cấp của viêm gan B mãn tính. HBcAb IgG xuất hiện trong giai đoạn mãn tính.
  • Xét nghiệm HBV-DNA (Định lượng virus viêm gan B): Xét nghiệm này đo lường lượng virus viêm gan B trong máu (tải lượng virus). Tải lượng càng cao, chứng tỏ virus nhân lên càng nhiều và dễ lây lan.

Bên cạnh xét nghiệm máu, bệnh viêm gan B có thể được chẩn đoán thông qua các phương pháp:

  • Siêu âm gan: Đây là phương pháp xác định mức độ tổn thương của gan bằng cách đo độ đàn hồi và đánh giá cấu trúc nhu mô gan.
  • Sinh thiết gan: Phương pháp này sử dụng một mẫu mô gan nhỏ đem đi phân tích dưới kính hiển vi nhằm kiểm tra tổn thương gan.

Ai có nguy cơ cao bị nhiễm viêm gan B

Bất kỳ ai cũng có thể mắc bệnh viêm gan B. Tuy nhiên, nếu bạn nằm trong nhóm đối tượng sau đây thì có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.

  • Người quan hệ tình dục không sử dụng biện pháp an toàn.
  • Người tiêm chích ma túy, dùng chung kim tiêm hoặc sử dụng các vật dụng cá nhân như bấm móng tay, dao cạo râu...
  • Trẻ sơ sinh có mẹ bị nhiễm viêm gan B.
  • Người có người thân hoặc sống chung với người bệnh viêm gan B.
  • Nhân viên y tế, người làm công việc thường xuyên tiếp xúc với máu.
  • Người nhận máu hoặc cấy ghép nội tạng trước khi có quy trình sàng lọc chặt chẽ.
  • Người suy giảm hệ miễn dịch như bệnh nhân chạy thận nhân tạo hoặc những người đang điều trị bằng các loại thuốc ức chế miễn dịch.

Khám sức khỏe tổng quát - Biện pháp quan trọng để phát hiện viêm gan B

Viêm gan B là một bệnh lý nguy hiểm, tiến triển âm thầm mà không có dấu hiệu rõ ràng trong giai đoạn đầu. Điều này khiến nhiều người nhiễm virus mà không hề biết, dẫn đến nguy cơ bệnh chuyển nặng thành xơ gan hoặc ung thư gan. Để phát hiện hiện sớm viêm gan B cũng như chủ động phòng ngừa các bệnh lý liên quan, khám sức khỏe tổng quát chính là biện pháp hiệu quả nhất.

phòng ngừa viêm gan b

Chủ động xét nghiệm viêm gan B hoặc thăm khám sức khỏe định kỳ để phát hiện và điều trị kịp thời

 

Khám sức khỏe định kỳ hay khám sức khỏe tổng quát bao gồm các xét nghiệm, kiểm tra toàn diện các chức năng của cơ thể để đánh giá tình trạng sức khỏe tổng thể. Trong đó, xét nghiệm viêm gan B là một phần quan trọng giúp kiểm tra tình trạng gan và phát hiện virus HBV (nếu có).

Khám sức khỏe tổng quát giúp phát hiện sớm viêm gan B ngay cả khi chưa có triệu chứng rõ ràng, từ đó can thiệp điều trị kịp thời, ngăn ngừa biến chứng và bảo vệ sức khỏe lâu dài. Bên cạnh đó, việc khám sức khỏe định kỳ còn giúp theo dõi tình trạng bệnh cho những người đã nhiễm viêm gan B, đảm bảo quá trình điều trị hiệu quả.

Giải đáp một số thắc mắc về bệnh viêm gan B

Làm thế nào để biết mình bị viêm gan B

Cách chính xác nhất để biết mình có bị viêm gan B hay không là thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán như xét nghiệm máu, xét nghiệm chức năng gan, siêu âm gan và sinh thiết (nếu cần). Nếu nghi ngờ bản thân có dấu hiệu viêm gan B, bạn nên đến cơ sở y tế để kiểm tra. Ngoài ra, bạn có thể chủ động tiếp cận và phòng ngừa viêm gan B cũng như các bệnh lý liên quan bằng cách khám sức khỏe tổng quát định kỳ.

Viêm gan B ăn chung có lây không

Viêm gan B không lây qua đường ăn uống. Việc ăn uống chung, dùng chung dụng cụ ăn uống như đũa, muỗng, hoặc uống chung cốc không gây lây nhiễm viêm gan B.

Chồng bị viêm gan B có lây sang vợ không

Quan hệ tình dục là một trong những con đường lây nhiễm của virus HBV. Do đó, chồng bị viêm gan B có nguy cơ cao lây cho vợ nếu như người vợ chưa tiêm vaccine hoặc cơ thể chưa có kháng thể chống virus.

Để chủ động ngăn ngừa lây nhiễm viêm gan B từ chồng, biện pháp tốt nhất đó là tiêm phòng đầy đủ và sử dụng biện pháp an toàn khi quan hệ. Trong cuộc sống hàng ngày, các cặp đôi nên hạn chế sử dụng chung các đồ dùng cá nhân như bấm móng tay, dao cạo, lược… để phòng ngừa virus xâm nhập thông qua vết thương hở. Bên cạnh đó, nếu trong gia đình có thành viên nhiễm viêm gan B, ngoài tiêm phòng vaccine, việc kiểm tra sức khỏe định kỳ là cần thiết để phát hiện và kịp thời điều trị viêm gan B cũng như những bệnh lý tiềm ẩn khác.

Bệnh viêm gan B có chữa được không

Bệnh viêm gan B có chữa được không phụ thuộc vào nhiều yếu tố như giai đoạn phát triển của bệnh, độ tuổi phát bệnh, tiền sử bệnh và tình trạng sức khỏe của bệnh nhân. Cụ thể:

  • Viêm gan B cấp tính: Đối với bệnh nhân viêm gan B cấp tính, khả năng tự khỏi bệnh mà không cần điều trị đặc hiệu lên đến 95%. Tuy nhiên, người bệnh cần nghỉ ngơi hợp lý, tuân thủ chỉ dẫn của bác sĩ và thăm khám sức khỏe định kỳ để đảm bảo virus không còn tồn tại trong cơ thể.
  • Viêm gan B mạn tính: Ở giai đoạn này, bệnh không thể chữa trị dứt điểm. Người bệnh sẽ được chỉ định dùng thuốc kháng virus để kiểm soát hoạt động của virus HBV, ngăn ngừa tổn thương gan và các biến chứng nghiêm trọng như xơ gan hay ung thư gan. Quá trình điều trị có thể kéo dài trong nhiều năm hoặc cả đời và cần được theo dõi chặt chẽ.

Viêm gan B là gì là mối quan tâm của rất nhiều người. Qua những thông tin được tổng hợp trong bài viết, đây là một bệnh lý nhiễm trùng gan nguy hiểm có khả năng dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng như xơ gan, ung thư gan. Virus viêm gan B xâm nhập vào cơ thể qua các con đường đó là đường máu, quan hệ tình dục và từ mẹ sang con.

Điều đáng lo ngại nhất đó là dấu hiệu nhận biết viêm gan B không rõ ràng khiến cho nhiều người mắc bệnh mà không hề hay biết và vô tình lây nhiễm cho người khác. Chính vì thế, để bảo vệ sức khỏe của bản thân và cộng đồng, chúng ta cần chủ động tiêm ngừa vaccine, xây dựng lối sống lành mạnh kết hợp với thăm khám, kiểm tra sức khỏe định kỳ.

biện pháp phát hiện viêm gan b

Khám sức tổng quát giúp phát hiện sớm bệnh viêm gan B

 

Khám sức khỏe định kỳ là cách tiếp cận chủ động và hiệu quả để kiểm soát và phòng ngừa các bệnh lý liên quan đến viêm gan B. Bệnh viện Đa khoa Tâm Trí Sài Gòn cung cấp dịch vụ khám sức khỏe định kỳ toàn diện, với đội ngũ y bác sĩ tận tâm và hệ thống trang thiết bị hiện đại, giúp bạn an tâm chăm sóc sức khỏe của mình và gia đình. Để biết thêm thông tin chi tiết và đăng ký gói khám, Quý khách hàng liên hệ hotline 0985 095 100 hoặc inbox Fanpage Bệnh Viện Đa Khoa Tâm Trí Sài Gòn để được hỗ trợ tư vấn.

>>Xem thêm: Viêm tụy cấp


marketing
dathongbao