TÌM HIỂU VỀ UNG THƯ GAN: TRIỆU CHỨNG, NGUYÊN NHÂN VÀ CÁCH ĐIỀU TRỊ

Friday, 27/09/2024, 15:48 GMT+7

Tìm hiểu về ung thư gan: Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Ung thư gan là một bệnh lý ác tính dẫn đầu về số ca mắc cũng như tử vong tại Việt Nam. Xu hướng trẻ hóa ung thư gan hiện nay là hồi chuông báo động, nhắc nhở chúng ta cần nâng cao nhận thức về căn bệnh này để có biện pháp chủ động phòng ngừa. Trong bài viết này, Tâm Trí Sài Gòn sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về ung thư gan, từ nguyên nhân gây bệnh đến dấu hiệu nhận biết và cách điều trị.

1. Ung thư gan là gì

Ung thư gan là bệnh xảy ra khi các tế bào trong gan bắt đầu phát triển không kiểm soát và tạo thành khối u ác tính. Những tế bào này có thể xâm lấn vào các mô xung quanh và thậm chí di căn đến các bộ phận khác của cơ thể.

1.1. Phân loại ung thư gan

Dựa vào nguồn gốc hình thành khối u, ung thư gan được chia thành ung thư nguyên phát và ung thư thứ phát. Ung thư gan thứ phát hay còn có tên gọi khác là ung thư gan di căn, đây là tình trạng các tế bào ung thư từ các cơ quan khác di căn đến gan và tạo thành khối u. Một số ung thư thường di căn đến gan như đại tràng, trực tràng, phổi, xương, vú…

Ung thư gan là gì

Ung thư gan xảy ra khi các tế bào trong gan tăng trưởng bất thường

Ung thư gan nguyên phát bắt nguồn từ chính tế bào gan và được phân thành các nhóm như sau:

  • Ung thư biểu mô tế bào gan (HCC - Hepatocellular Carcinoma): là loại ung thư gan nguyên phát phổ biến nhất, chiếm khoảng 75% trường hợp. Khối u thường phát triển từ các các tế bào gan bị tổn thương do viêm gan virus B hoặc C, xơ gan hoặc các yếu tố nguy cơ khác.
  • Ung thư biểu mô đường mật (CCA - Cholangiocarcinoma): chiếm khoảng 10 - 20% các trường hợp ung thư gan nguyên phát, bắt nguồn từ các tế bào của ống mật trong gan. Những đường ống này dẫn mật từ túi mật xuống ruột non để hỗ trợ tiêu hóa thức ăn. Khi khối u hình thành ở các ống mật trong gan thì được gọi là ung thư đường mật trong gan, còn hình thành ở ống bên ngoài gan thì gọi là ung thư đường mật ngoài gan.
  • U nguyên bào gan (Hepatoblastoma): Đây là một loại ung thư gan hiếm gặp, thường xảy ra ở trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 3 tuổi. Nếu được phát hiện sớm và chữa trị kịp thời, tỷ lệ chữa khỏi và duy trì sự sống của bệnh nhân lên đến hơn 90%.
  • U mạch máu ác tính: đây cũng là trường hợp ung thư gan hiếm gặp với tế bào ung thư bắt nguồn từ các mạch máu của gan. Loại ung thư này tiến triển rất nhanh nên thường bệnh nhân khi được chẩn đoán, bệnh đã bước sang giai đoạn muộn dẫn đến điều trị khó khăn.

1.2. Các giai đoạn ung thư gan

Ủy Ban Hỗn hợp về Ung thư Hoa Kỳ (AJCC) chia ung thư gan làm 4 giai đoạn dựa trên Hệ thống phân đoạn TNM. Mỗi giai đoạn có sự khác biệt về kích thước và số lượng khối u, mức độ xâm lấn cũng như sự di căn đến các bộ phận khác.

  • Giai đoạn I: Ở giai đoạn đầu, tồn tại một khối u đơn lẻ trong lá gan với kích thước nhỏ hơn 2cm, chưa xâm lấn mạch máu và di căn xa.
  • Giai đoạn II: Khối u ban đầu phát triển hoặc xuất hiện thêm một vài khối u kích thước không quá 5cm. Các khối u này bắt đầu xâm lấn vào mạch máu nhưng chưa lan tới hạch bạch huyết và các cơ quan lân cận.
  • Giai đoạn III: Bao gồm 3 giai đoạn nhỏ:
    • Giai đoạn IIIA: Trong gan lúc này có ít nhất một khối u kích thước lớn hơn 5cm tuy nhiên các khối u vẫn chưa lan tới hạch bạch huyết hay vùng lân cận.
    • Giai đoạn IIIB: Số lượng khối u tăng lên, có khối u đã xâm lấn tới tĩnh mạch gan nhưng vẫn chưa xâm lấn hạch bạch huyết và các cơ quan khác.
    • Giai đoạn IIIC: Các khối u vẫn nằm trong phạm vi gan nhưng có ít nhất một khối u đã lan rộng đến vùng mô lân cận như lớp vỏ bao quanh gan và túi mật. Tuy nhiên khối u chưa vẫn chưa di căn hạch bạch huyết và các bộ phận cơ thể khác.
  • Giai đoạn IV: Được chia thành 2 giai đoạn nhỏ
    • Giai đoạn IVA: Các khối u đã xâm lấn hạch bạch huyết nhưng chưa di căn tới các cơ quan ở xa.
    • Giai đoạn IVB: Khối u đã di căn đến các bộ phận cơ thể khác như phổi, xương hoặc não.

>> Xem thêm: Ung thư gan giai đoạn cuối: Tiên lượng sống, triệu chứng và điều trị giảm nhẹ

2. Dấu hiệu ung thư gan

Ung thư gan thường khó nhận biết ở giai đoạn đầu vì gần như không có biểu hiện gì hoặc rất ít triệu chứng điển hình. Một số dấu hiệu ban đầu thường dễ bị bỏ qua hoặc nhầm lẫn với bệnh lý khác như:

  • Mệt mỏi, chán ăn
  • Đau, tức vùng hạ sườn phải
  • Chướng bụng, buồn nôn

Các triệu chứng trở nên rõ ràng và nghiêm trọng hơn khi ung thư gan bước sang giai đoạn muộn.

  • Vàng da, vàng mắt
  • Sụt cân không kiểm soát
  • Da nổi mẩn ngứa, mề đay
  • Đau tức bụng với tần suất lặp lại nhiều lần và mức độ đau tăng dần

Triệu chứng ung thư gan

Ung thư gan giai đoạn đầu thường không có biểu hiện gì

3. Nguyên nhân ung thư gan

Sự phát triển bất thường của các tế bào gan được xác định là do sự thay đổi (đột biến) trong ADN. ADN của tế bào đảm nhận vai trò hướng dẫn cho những phản ứng hóa học trong cơ thể. Khi ADN đột biến, quá trình này bị thay đổi dẫn đến việc các tế bào phát triển không kiểm soát và tạo thành khối u.

Các chuyên gia vẫn chưa ra nguyên nhân cụ thể gây đột biến ADN. Song, có một số yếu tố có khả năng làm tăng nguy cơ hình thành khối u ở gan mà bạn cần lưu ý như sau:

  • Nam giới, đặc biệt là nam giới từ độ tuổi trung niên có nguy cơ mắc ung thư gan cao hơn nữ giới.
  • Những người mắc các bệnh lý về gan như viêm gan B, viêm gan C, xơ gan, gan nhiễm mỡ có khả năng tiến triển thành ung thư gan nếu như không điều trị đúng cách.
  • Người béo phì, mắc bệnh đái tháo đường hoặc có tiền sử gia đình mắc ung thư gan cũng thuộc nhóm có nguy cơ mắc ung thư gan.
  • Người uống nhiều rượu bia, nghiện thuốc lá và các chất kích thích khác có thể khiến gan tổn thương, làm tăng nguy cơ ung thư gan.
  • Người sống trong môi trường ẩm mốc hoặc thường xuyên tiêu thụ thực phẩm nhiễm độc tố aflatoxin (từ nấm mốc) cũng có thể dẫn đến các bệnh lý về gan, bao gồm ung thư gan.

Nguyên nhân ung thư gan

Sự phát triển bất thường của các tế bào gan được xác định là do sự thay đổi (đột biến) trong ADN

4. Chẩn đoán

Chẩn đoán ung thư gan đầu tiên bắt đầu bằng quá trình thăm khám lâm sàng và hỏi về tiền sử bệnh. Để đưa ra kết luận chính xác, bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân thực hiện xét nghiệm sinh hóa máu, chẩn đoán hình ảnh hóa hoặc sinh thiết. Các phương pháp và quy trình chẩn đoán ung thư gan cụ thể như sau:

  • Xét nghiệm máu: Đánh giá chức năng và mức độ tổn thương gan thông qua các chỉ số nồng độ protein, albumin, men gan và bilirubin trong máu. Ngoài ra, nếu xét nghiệm máu phát hiện alpha - fetoprotein (AFP), AFP-L3, Des-gamma carboxyprothrombin (DCP) trong máu cao cũng là dấu hiệu của ung thư gan. 
  • Siêu âm ổ bụng: Đây là phương pháp sử dụng sóng siêu âm để tạo ra hình ảnh của gan, hỗ trợ bác sĩ phát hiện các bất thường diễn ra trong gan.
  • Chụp CT ổ bụng hoặc MRI gan mật: Chẩn đoán này được dùng để xác định vị trí, kích thước của khối u đang phát triển. Trên cơ sở đó, bác sĩ có thể đánh giá khối u đã di căn sang cơ quan khác hay chưa.
  • Sinh thiết gan: Phương pháp này giúp xác nhận các tổn thương gan cũng như tính chất của khối u. Để lấy mẫu tế bào gan, bác sĩ sử dụng thủ thuật chọc hút kim nhỏ qua da (FNA) hoặc thực hiện bằng cách mổ nội soi ổ bụng. Mẫu mô gan sau đó sẽ được kiểm tra dưới kính hiển vi để tìm kiếm tế bào ác tính.

Chẩn đoán ung thư gan

Chẩn đoán ung thư gan bằng các phương pháp xét nghiệm máu, hình ảnh học và sinh thiết

5. Điều trị

Sau khi chẩn đoán xác định là ung thư gan, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ và phương pháp điều trị phù hợp. Phương pháp điều trị ung thư gan phụ thuộc vào giai đoạn bệnh, tình trạng sức khỏe của người bệnh và loại tế bào ung thư. Các phương pháp điều trị phổ biến bao gồm:

Điều trị ung thư gan

Phương pháp điều trị ung thư gan phụ thuộc vào chủ yếu vào thời điểm phát hiện bệnh

5.1. Phẫu thuật

Trường hợp khối u vẫn còn nằm trong gan, thực hiện phẫu thuật cắt gan có thể loại bỏ khối u. Sẽ mất một thời gian để những phần mô gan khỏe mạnh phát triển và thay thế phần bị cắt bỏ.

5.2. Cấy ghép gan

Phương pháp này chỉ có thể tiến hành khi khối u vẫn còn nằm trong gan. Một phần gan có khối u hoặc toàn bộ lá gan sẽ được thay thế bằng gan khỏe mạnh của người hiến tặng. Sau phẫu thuật ghép gan, bệnh nhân cần uống thuốc để phòng ngừa nguy cơ đào thải.

5.3. Tiêu diệt tế bào ung thư bằng sóng cao tần

Phương pháp này thích hợp cho khối u nhỏ hơn 3cm hoặc bệnh nhân đã được phẫu thuật như khối u vẫn chưa được loại bỏ hết. Bác sĩ sẽ sử dụng một đầu kim dẫn sóng cao tần, đưa vào khối u qua thành bụng hoặc qua phẫu thuật để đốt cháy khối u.

5.4. Tiêm ethanol vào khối u gan

Phương pháp điều trị này cho hiệu quả tốt nhất đối với khối u có kích thước nhỏ hơn 3cm. Bác sĩ sẽ tiêm cồn nguyên chất (ethanol) vào bên trong khối u để tiêu diệt các tế bào ung thư.

5.5. Hóa trị

Hóa trị là phương pháp điều trị ung thư gan sử dụng hóa chất để tiêu diệt các tế bào ung thư hoặc kiểm soát sự phát triển của khối u. Tùy vào tình trạng bệnh, bệnh nhân có thể được chỉ định hóa trị đơn độc hoặc kết hợp với các phương pháp khác để tăng hiệu quả.

5.6. Xạ trị

Xạ trị sử dụng tia X để tiêu diệt tế bào ung thư hoặc ngăn chặn sự phát triển của chúng. Phương pháp này thường được sử dụng khi tế bào ung thư đã di căn sang các cơ quan khác như xương, não.

5.7. Liệu pháp nhắm mục tiêu

Liệu pháp này sử dụng các loại thuốc nhắm vào những điểm yếu cụ thể của tế bào ung thư giúp tiêu diệt hoặc ức chế các tế bào này phát triển mà không gây tổn thương đến mô gan lành xung quanh. Sorafenib hoặc Lenvatinib là các loại thuốc có chứa chất ức chế tyrosine kinase (TKI) đã được chứng minh đem lại hiệu quả trong trong điều trị ung thư gan giai đoạn tiến triển.

5.8. Liệu pháp miễn dịch

Liệu pháp miễn dịch là một phương pháp điều trị ung thư bằng cách kích hoạt hệ miễn dịch của cơ thể để nhận biết và tiêu diệt các tế bào ung thư. Trong điều trị ung thư gan, liệu pháp này đang ngày càng được quan tâm và nghiên cứu rộng rãi.

6. Phòng ngừa

Ung thư gan là một căn bệnh nguy hiểm, đứng đầu về số ca mắc mới và tỷ lệ tử vong cao nhất trong các loại ung thư tại Việt Nam. Hiện nay, căn bệnh này đang có xu hướng trẻ hóa. Vì vậy, việc chủ động phòng ngừa ung thư gan là vô cùng cần thiết. Bạn có thể tham khảo một số biện pháp sau đây để bảo vệ sức khỏe lá gan.

6.1. Tiêm phòng đầy đủ vaccine viêm gan B

Viêm gan B có thể dẫn đến ung thư gan nếu như không được phát hiện và điều trị kịp thời. Do đó, tiêm vaccine viêm gan B là vô cùng cần thiết để ngăn ngừa ung thư gan. Đối với trẻ sơ sinh cần tiêm vaccine vòng 24 giờ đầu sau sinh.

6.2. Phòng tránh bệnh viêm gan C

Tương tự viêm gan B, viêm gan C cũng là tiền căn gây ung thư gan. Tuy nhiên, hiện nay chưa có vaccine ngừa viêm gan C. Do đó, chúng ta cần chủ động phòng ngừa bằng cách tuân thủ những điều sau:

  • Quan hệ tình dục có sử dụng biện pháp an toàn, không quan hệ cùng lúc với nhiều người và không quan hệ (dù có dùng bao cao su) với người nghi ngờ viêm gan hay mắc bất kỳ bệnh truyền nhiễm qua đường tình dục nào khác.
  • Không sử tiêm chích ma túy và các loại chất kích thích.
  • Hạn chế sử dụng chung các đồ dùng cá nhân như bấm móng tay, bàn chải đánh răng, dao cạo râu…
  • Những người có sở thích xỏ khuyên hoặc xăm mình cần thận trọng lựa chọn cơ sở uy tín, đảm bảo các dụng cụ sử dụng đã được vô trùng.

6.3. Hạn chế sử dụng rượu bia, thuốc lá

Rượu bia, thuốc lá là những tác nhân có khả năng gây tổn thương gan, dẫn đến xơ gan và ung thư gan. Để phòng ngừa ung thư gan và các bệnh lý liên quan, chúng ta nên hạn chế hoặc từ bỏ tuyệt đối các loại đồ uống có cồn, bỏ thuốc lá cũng như tránh tiếp xúc với khói thuốc lá.

6.4. Ăn uống khoa học

Chế độ ăn uống lành mạnh, hạn chế thức ăn nhanh, thức ăn chế biến sẵn và các loại thực phẩm chứa nhiều chất béo động vật, nhiều đường giúp giảm gánh nặng đào thải cho gan cũng như hạn chế việc hấp thụ chất béo xấu. Đồng thời, bạn nên bổ sung thêm nhiều rau xanh và trái cây vào thực đơn hàng ngày để cung cấp vitamin, khoáng chất giúp tăng cường hệ miễn dịch. Và đừng quên uống đủ nước để hỗ trợ gan giải độc tốt hơn.

6.5. Giảm cân, tập thể dục thường xuyên

Béo phì là một yếu tố nguy cơ của nhiều bệnh, trong đó có ung thư gan. Tập luyện các bài tập vừa sức, đều đặn 30 phút/ngày và từ 5 ngày/tuần không chỉ giúp duy trì cân nặng phù hợp mà còn mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Tăng cường vận động kết hợp cùng thực đơn dinh dưỡng phù hợp sẽ giúp cơ thể trao đổi chất tốt hơn, cải thiện chức năng gan và nâng cao sức đề kháng.

6.6. Khám sức khỏe tổng quát, tầm soát ung thư định kỳ

Khám sức khỏe định kỳ 6 - 12 tháng/lần là một trong những cách hiệu quả nhất để phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường của cơ thể, trong đó có ung thư gan. Việc phát hiện khối u ác tính ở giai đoạn sớm giúp tăng khả năng điều trị thành công cũng như giảm chi phí điều trị. Đặc biệt, với những người có tiền sử mắc các bệnh lý về gan hoặc những sử dụng rượu bia, thuốc lá lâu năm cần thăm khám và theo dõi sức khỏe thường xuyên.

7. FAQ

7.1. Ung thư gan có lây không?

Ung thư gan là một căn bệnh nghiêm trọng nhưng không lây truyền giữa người với người. Tuy nhiên, virus gây viêm gan B, viêm gan C có thể lây nhiễm qua đường máu, quan hệ tình dục không an toàn hoặc từ mẹ sang con. Các loại viêm gan này làm tăng nguy cơ phát triển ung thư gan nếu không được điều trị đúng cách. Do đó, việc tiêm vaccine viêm gan B và thực hiện các biện pháp phòng tránh viêm gan C là rất quan trọng để giảm thiểu nguy cơ ung thư gan.

7.2. Ung thư gan có chữa được không?

Bệnh ung thư gan có chữa được không là mối quan tâm của nhiều người. Trên thực tế, nếu bệnh được phát hiện sớm khi khối u có kích thước nhỏ, chưa di căn thì khả năng chữa khỏi lên đến 80%. Tỷ lệ chữa khỏi và tiên lượng sống giảm dần ở các giai đoạn muộn hơn. Cụ thể như sau:

  • Trong trường hợp phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm, kích thước khối u dưới 3cm (gan chỉ mới bị xơ), nếu được phẫu thuật thì tỷ lệ sống trên 5 năm lên đến 80 - 90%.
  • Nếu khối u có kích thước trong khoảng 3cm - 6cm, khả năng chữa khỏi và tỷ lệ sống trên 5 năm giảm còn 60%.
  • Nếu kích thước khối u lớn hơn 6cm, tỷ lệ sống trên 5 năm chỉ còn 10 - 15%.
  • Khi khối u lớn hơn 10cm, bệnh ung thư gan không còn khả năng chữa khỏi, mục tiêu điều trị lúc này nhằm giảm nhẹ triệu chứng và kéo dài sự sống cho người bệnh.

7.3. Bệnh nhân ung thư gan nên ăn gì?

Chế độ dinh dưỡng đóng vai trò trong quá trình điều trị và phục hồi sức khỏe cho bệnh nhân ung thư gan. Dưới đây là một số nhóm thực phẩm nên bổ sung vào thực đơn cũng như một số lưu ý để xây dựng một chế độ ăn uống khoa học.

  • Hạn chế ăn đồ ngọt, thức ăn nhiều dầu mỡ, thức ăn chế biến sẵn, đồ uống có ga vì chứa nhiều phụ gia và hóa chất không tốt cho gan.
  • Thay thế các thực phẩm chứa nhiều chất béo động vật bằng chất béo tốt như dầu ô liu, dầu đậu nành, cá hồi, cá ngừ...
  • Bổ sung protein từ các loại cá, thịt nạc, trứng, thịt gà (không da), đậu nành…
  • Ăn nhiều rau xanh, đặc biệt là các loại rau có lá xanh đậm như bông cải xanh, cải bó xôi và trái cây giàu vitamin C (như cam, quýt, bưởi) với khả năng chống oxy hóa.
  • Các loại ngũ cốc nguyên hạt như gạo lứt, yến mạch, và lúa mạch giúp cung cấp năng lượng, đồng thời chứa nhiều chất xơ hỗ trợ tiêu hóa và điều hòa đường huyết.
  • Ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày thay vì 3 bữa lớn để tránh quá tải cho hệ tiêu hóa.
  • Uống đủ nước giúp đào thải độc tố và duy trì chức năng của các cơ quan trong cơ thể.

Ung thư gan là một căn bệnh ác tính rất khó để phát hiện sớm bởi bệnh gần như không có biểu hiện gì trong giai đoạn đầu. Khả năng chữa khỏi và tiên lượng sống của bệnh phụ thuộc chủ yếu vào thời điểm phát hiện.Do đó, bên cạnh việc chủ động phòng ngừa bằng cách tiêm phòng vắc-xin viêm gan, duy trì lối sống lành mạnh và chế độ ăn uống khoa học, bạn nên khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường ở gan.

Bệnh viện Đa khoa Tâm Trí Sài Gòn cung cấp các Gói khám sức khỏe tổng quát chuyên sâu, giúp bạn kiểm tra toàn diện tình trạng sức khỏe của gan và các cơ quan khác. Quy trình thăm khám được thực hiện bởi đội ngũ bác sĩ chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm, cùng với sự hỗ trợ từ hệ thống thiết bị hiện đại, mang đến kết quả chính xác và đánh giá toàn diện sức khỏe của khách hàng.

Để đặt lịch khám tại bệnh viện hoặc yêu cầu hỗ trợ tư vấn, Quý khách vui lòng liên hệ HOTLINE 0974.508.479 hoặc nhắn tin cho chúng tôi qua Fanpage Bệnh Viện Đa Khoa Tâm Trí Sài Gòn.


marketing
dathongbao