Bác sĩ thường trực 0901 696 115
Hotline CSKH 0974 508 479
VIỆN TRƯỜNG

TRƯỜNG ĐH PHAN CHÂU TRINH: ĐÀO TẠO NHÂN LỰC Y TẾ TỪ MÔ HÌNH VIỆN - TRƯỜNG

Thứ ba, 04/07/2023, 08:27 GMT+7

Trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực y tế, mô hình Viện - Trường đã chứng minh được hiệu quả và chất lượng đào tạo tại Trường đại học Phan Châu Trinh. Đây là một trong những điểm mạnh rất riêng của trường đại học này, và có thể tạo ra một mô hình đúng, làm tiền đề cho việc cải thiện chất lượng giáo dục ngành khoa học sức khỏe trong tương lai.

Chuỗi 7 bệnh viện thực hành riêng trên toàn quốc

Luôn theo đuổi sứ mệnh và tầm nhìn trở thành một trong những trường đại học đào tạo khối ngành sức khỏe danh giá, trong đó kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp của người học được coi trọng, ĐH Phan Châu Trinh đã xây dựng hệ thống bệnh viện thực hành (BVTH) riêng trước khi bắt đầu đào tạo.

Ban đầu, chỉ có 4 bệnh viện đa khoa Tâm Trí tại Đà Nẵng, Nha Trang, TP.HCM và Đồng Tháp với tổng quy mô 750 giường. Cùng với sự phát triển về quy mô đào tạo và để đáp ứng chuẩn thực tập, thực hành lâm sàng theo quy định bắt buộc của Hội đồng trường và BGH, nhà trường phát triển mạng lưới BVTH thêm 2 bệnh viện tại Đồng Tháp. Năm 2024, nhà trường sẽ tiếp tục đưa vào hoạt động thêm 1 bệnh viện 300 giường ngay tại khuôn viên trường, nâng hệ thống Viện - Trường lên 7 bệnh viện, tổng quy mô 1.400 giường bệnh, là cơ sở đào tạo thực hành theo Nghị định 111/2017/NĐ-CP của Chính phủ.

Với mô hình này, hoạt động đào tạo của trường đảm bảo thực hành luôn đi đôi với lý thuyết, và tỷ lệ thực tập, thực hành tại bệnh viện chiếm 70% đến 80% thời lượng của mỗi chương trình đào tạo.

dai-hoc-phan-chau-trinh

Sinh viên y khoa đang thực tập lâm sàng tại Bệnh viện thực hành của trường

Làm thế nào để thực hiện được mô hình Viện - Trường thực chất và hiệu quả?

Trước tiên Hội đồng trường, BGH và Ban điều hành BVTH phải nhất quán từ triết lý giáo dục khai phóng, triết lý đào tạo để thay đổi, đến mục tiêu chiến lược đào tạo, lấy sinh viên làm trung tâm, bệnh nhân là quan trọng và nghề nghiệp là tối thượng. Từ đó xây dựng chuẩn ra trường khác biệt, và chương trình đào tạo, phương pháp đào tạo cũng cải thiện để đáp ứng với chuẩn đầu ra.

Điểm đáng chú ý là tất cả các bệnh viện thực hành và trường được điều hành bởi một chủ thể duy nhất. Chính cơ cấu này tạo nên một sự nhất quán xuyên suốt từ trường đến bệnh viện, nhằm thực hiện mục tiêu chiến lược trong đào tạo của Trường đại học Phan Châu Trinh. Người thầy thuốc hướng dẫn lâm sàng cho sinh viên cũng vừa là người giảng viên hướng dẫn lý thuyết cho SV - hai trong một. Nội dung lý thuyết được chuyển hóa vào quy trình thực tập, thực hành lâm sàng, chăm sóc bệnh nhân tại bệnh viện.

Nhờ đó, SV của trường được tiếp cận với hệ sinh thái Viện - Trường rất sớm và dễ dàng. Đồng thời cũng là điều kiện tốt để SV áp dụng kiến thức đã học vào thực tế một cách đồng bộ, logic.

Trải nghiệm thực tập tại bệnh viện ngay từ năm nhất

Tất cả SV của trường đều được thực tập, thực tế môi trường bệnh viện ngay từ ngày đầu nhập học. Đây là điều mong ước của mọi SV ngành sức khỏe. Thực tập, thực tế sớm tại bệnh viện còn giúp SV phát triển ngũ giác và từ đó hình thành nhân cách của người thầy thuốc, người nhân viên y tế có tâm - trí vẹn toàn cao.

Bác sĩ Nguyễn Hữu Tùng - Chủ tịch trường cho biết: "Ngay từ ngày đầu đến trường, các em phải được tiếp cận với BV để cảm nhận tổng thể cơ cấu, công việc của các thành viên trong BV như thế nào. Các em phải cảm nhận được nỗi đau của người bệnh, nghe được tiếng khóc chào đời của trẻ mới sinh ra, phải nhận biết được mùi của bệnh viện và ánh mắt dịu hiền của người điều dưỡng, nỗi nhọc nhằn của người bác sĩ khi gặp một ca bệnh khó. Các em sẽ cảm nhận được những đêm trực dài cùng người thầy của mình, hay được cầm tay săn sóc bệnh nhân và nhìn được niềm hạnh phúc của họ khi được bác sĩ chữa lành bệnh. Và từ đó, nhân cách của một SV ngành sức khỏe sẽ hình thành qua ngày tháng, trước khi được thầy mình cho trực tiếp nhận bệnh thực hành thực thụ".

Ông cũng nói thêm: Với SV học bác sĩ, các em cũng phải được học và rèn luyện kỹ năng điều dưỡng một cách thuần thục để hiểu tường tận quá trình chăm sóc người bệnh. Chính vì vậy, chương trình đào tạo được nhà trường cơ cấu để SV được học học phần này ngay học kỳ 1.

Bên cạnh đó, tại đây SV còn có nhiều đặc lợi khác. Đó là SV còn được tiếp cận với hồ sơ bệnh án, gọi là bệnh án sinh viên, do nhà trường biên soạn riêng dựa vào nền tảng hồ sơ SV Hoa Kỳ. Bệnh án SV được lập trình hóa để sử dụng trong thực tập lâm sàng của toàn khóa học.

dai-hoc-phan-chau-trinh

Sinh viên ngành Kỹ thuật xét nghiệm đang lấy mẫu xét nghiệm trong đợt thực tập lâm sàng tại bệnh viện thực hành của trường

Các giảng viên tham gia hướng dẫn thực tập, thực hành lâm sàng được gọi là CIs (Clinical Instructors). Họ chính là các bác sĩ giỏi đang làm việc tại Viện - Trường PCTU. Tiêu chuẩn chất lượng hướng dẫn lâm sàng được đơn vị hóa là 1.5/1, tức một CI chỉ được phép hướng dẫn nhóm tối đa 5 SV/giường bệnh. Quá trình hướng dẫn lâm sàng sẽ được đánh giá chất lượng từ người học, từ chính các CIs, bộ phận quản lý chuyên môn của CIs và bộ phận đánh giá độc lập đáng tin cậy EPA (Entrusted Professional Assessment).

Các kết quả từ khảo sát của Trung tâm Khảo thí và Đảm bảo chất lượng của nhà trường đã chứng minh rằng mô hình Viện - Trường PCTU và các phương pháp giáo dục trên nền tảng và triết lý của trường mang lại những kết quả tích cực và kỹ năng nghề nghiệp của SV vượt trội hơn mong đợi. Tiếp xúc sớm với môi trường bệnh viện, sự nhất quán trong quá trình đào tạo, trải nghiệm thực tập từ năm nhất và sự đồng nhất trong hướng dẫn và đánh giá là những điểm mạnh của trường. Với sự phát triển của hệ thống Bệnh viện đa khoa Tâm Trí và viện trường tại chỗ, và cam kết đáp ứng chỉ tiêu tuyển sinh, mô hình này là một lựa chọn lý tưởng để đào tạo nhân lực y tế chất lượng cao cho xã hội.

Nguồn: Báo Thanh Niên

Link bài viết: Trường ĐH Phan Châu Trinh: Đào tạo nhân lực y tế từ mô hình Viện - Trường (thanhnien.vn)

dathongbao