Giới thiệu về chúng tôi
banner

Kỳ 5: CÁCH THỨC CHĂM SÓC TRẺ SINH NON THIẾU THÁNG

Friday, 17/03/2017, 09:27 GMT+7

Việc dùng lồng ấp đối với các cháu sinh thiếu tháng là một tiến bộ của y học, đã giúp cứu sống hàng triệu cháu sinh non. Lồng ấp được coi như dạ con nhân tạo với đầy đủ các điều kiện về nhiệt độ, độ ẩm…giúp các cháu có sức tồn tại. Gần đây, các nhà khoa học Mỹ và Israel đã thiết kế chế tạo thiết bị tạo khói sương trong lồng ấp dã chiến có tên “BabyAir” . Đây được coi là một tiến bộ mới trong việc nuôi dưỡng các cháu trong lồng ấp, tạo thuận lợi trong việc cung cấp dưỡng khí, thuốc men cho các cháu cả khi chúng đang ngủ.

Y_Kangaroo_2

Phương pháp ủ con "Kangaroo" đang được áp dụng phổ biến và là phương pháp tối ưu, hữu hiệu

Nhiều bà mẹ sau sinh con thiếu tháng có tâm trạng hoảng hốt, lo sợ về số phận con mình, nhiều người rơi vào trạng thái trầm cảm, phiền muộn, lo lắng. Nhiều bà mẹ lại phó mặc cho bệnh viện trong việc chăm sóc con cái mình trong những tháng đầu sau sinh. Việc chăm sóc các cháu sinh thiếu tháng phải giống như việc nuôi con của các chú chuột túi Châu Úc, lúc nào cũng để con trong túi trước ngực – thường được gọi là biện pháp ủ Kangarro. Các nhà khoa học Mỹ thuộc Stanford University phát hiện ra rằng, ở những cháu bé thường xuyên được mẹ âu yếm, ôm ấp nồng độ hai kích thích tố progesteron và oksytocyna cao hơn hẳn so với các cháu ít được mẹ âu yếm, ôm ấp. Các nhà khoa học gọi chúng là “hooc-môn của sự âu yếm”. Trong thời gian mới sinh, những kích thích tố này đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành hệ thần kinh hoàn chỉnh.

Đối với trẻ đẻ non thiếu tháng các hệ cơ quan của trẻ chưa được hình thành đầy đủ nên khả năng sinh lý của trẻ rất yếu, cơ thể rất dễ mắc bệnh và dẫn tới tình trạng bệnh năng nếu ta không biết cách chăm sóc trẻ sơ sinh thiếu tháng đúng cách. Sau đây là một số lời khuyên của bác sỹ chuyên khoa phụ sản với các mẹ:

1. Cho trẻ sơ sinh thiếu tháng bú sữa mẹ đúng cách

Sữa mẹ luôn là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ sơ sinh thiếu tháng (trẻ đẻ non).

Số lượng sữa cần thiết:

Ngày thứ nhất 60 ml/kg/ngày

Ngày thứ hai 90 ml/kg/ngày

Ngày thứ ba 120 ml/kg/ngày

Ngày thứ tư 150 ml/kg/ngày

Các mẹ nhớ chia số lần cho trẻ sơ sinh bú làm 8-12 lần/ngày.

·         Nếu trẻ không bú được phải đổ thìa hay bằng ống thông dạ dày, trẻ dưới 32 tuần cần cho ăn bằng ống thông.

·         Nếu trẻ bú được thì cho bú nhiều lần trong ngày theo nhu cầu.

·         Trong những ngày đầu, những trẻ sơ sinh trọng lượng dưới 1500g, lượng ăn ít, có thể truyền thêm Glucoza 5-10% 80-100 ml/kg.

  • Cho trẻ bú sữa mẹ : Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất không chỉ đối với trẻ sinh thiếu tháng. Tuy nhiên việc bú sữa mẹ đối với trẻ sinh thiếu tháng không dễ dàng bởi cơ miệng của chúng rất yếu, không đủ sức để hút sữa. Điều này đòi hỏi người mẹ phải kiên nhẫn, không nản lòng. Khi các cháu bỏ bú, không có nghĩa là các cháu không muốn bú nữa hay đã no bụng – mà chính là nguyên nhân các cháu không có sức để bú. Các bà mẹ cần hiểu được điều đó để có cách dỗ dành thích hợp Theo tiến sĩ Teresa Kaszpszak, việc cho con bú không chỉ là công việc cung cấp chất dinh dưỡng cho trẻ, mà điều quan trọng hơn là trẻ nhận được hơi ấm từ người mẹ, được cảm nhận tình cảm ấm áp của người mẹ. Nhà khoa học nói thêm: “Đừng lầm tưởng rằng, trẻ sơ sinh không biết gì. Thực chất, các cháu là những chiếc “hàn thử biểu” rất nhạy cảm đối với môi trường xung quanh, đối với cách hành xử của người sinh ra chúng”.

2. Chế độ thuốc bổ xung cho trẻ: Vitamin K 1-2mg/ngày tiêm bắp, Vitamin C 50mg/ngày x 1 tháng, Vitamin B1 1mg/ngày x 1 tháng, Vitamin D 400 đv/ngày từ tuần thứ 3, Vitamin E 20mg/kg/ngày, từ tuần thứ 2×3-4 tuần, Sắt Sunfat 2mg/ngày từ tuần 4-6, Axit folic 50mcrogam/ngày. Các mẹ nên nhớ thuốc này phải được bác sĩ chỉ định dùng, có vậy mới an toàn. Vì nhu cầu của mỗi trẻ là khác nhau, không phải trẻ sơ sinh thiếu tháng nào cũng giống nhau đâu nhé!

3. Chú ý nhiệt độ trong phòng: Phòng nuôi trẻ phải ấm từ 26-30 độ, trẻ dưới 1500g nếu có điều kiện nuôi trong lồng ấp.

4. Cần theo dõi sát các biểu hiện của trẻ hằng ngày như: Nhịp thở, màu sắc da, tiêu hóa (số lượng ăn trong ngày, dịch nôn, mầu dịch nôn, số lần ỉa, tính chất phân, bụng trướng hay không, thóp, thân nhiệt, cân nặng). Có vậy mới nắm được sức khỏe con bạn có bình thường hay không. Vì cơ thể trẻ sinh thiếu tháng (trẻ đẻ non) rất yếu ớt, các cơ quan bộ phận trên cơ thể sẽ có những thay đổi hằng ngày.

5. Những biến trứng hay gặp ở trẻ đẻ non: Suy hô hấp gặp ngay 1-2 ngày sau đẻ, viêm ruột hoại tử, vàng da tăng Bilirubin gián tiếp, nhiễm khuẩn huyết. Bạn nên theo dõi trẻ thường xuyên, khi có dấu hiệu bất thường như: trẻ bỏ bú, tiêu chảy, sốt cao, da có màu bất thường (màu vàng, màu xanh kém hồng, tím tái…) cần đưa trẻ vào viện sớm để được chăm sóc tốt hơn.


nhung.truong
TAG:
dathongbao