Thứ hai, 04/11/2024, 08:43 GMT+7
NGUY CƠ LỒNG RUỘT Ở TRẺ LỚN - BA MẸ KHÔNG NÊN CHỦ QUAN
Chỉ trong vòng chưa đầy 1 tuần, bé T.K (sinh năm 2021) đã phải trải qua tình trạng lồng ruột đến 2 lần khiến gia đình không khỏi lo lắng.
Trước đó vào ngày 25/10/2024, bệnh nhi K đã được thực hiện tháo lồng ruột tại Bệnh viện Nhi Đồng I. Tuy nhiên, chỉ 3 ngày sau đó bệnh nhân có biểu hiện đau bụng quặn từng cơn, nôn mửa và đi đại tiện 2 lần phân nâu, tình trạng đau bụng ngày càng dữ dội.
Đến ngày 31/10/2024, bệnh nhân đau nhiều nên được người nhà đưa đến khám tại Phòng khám Nhi BVĐK Tâm Trí Sài Gòn. Thông qua khám cận lâm sàng, bao gồm: siêu âm có hình ảnh lồng ruột, CT bụng hình ảnh lồng ruột hồi manh đại tràng và xét nghiệm bạch cầu, bệnh nhân được chẩn đoán lồng ruột cấp. Sau hội chẩn cấp 3, bệnh nhân được chỉ định tháo lồng bằng hơi.
BSCKII. Cao Khả Anh (Khoa Ngoại - BVĐK Tâm Trí Sài Gòn) cho biết: “Đây là trường hợp lồng ruột ở trẻ lớn và là lần thứ 2 (tái phát). Bệnh nhân có thể trạng tốt, bụng không chướng nên tiên lượng tháo lồng bằng hơi khả quan.” Tháo lồng bằng hơi là một phương pháp ít xâm lấn và quá trình thực hiện diễn ra nhanh nên ít gây ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.
Bác sĩ cũng giải thích thêm: “Bệnh lồng ruột thường xảy ra ở trẻ dưới 24 tháng tuổi và gặp nhiều nhất ở lứa dưới 12 tháng tuổi có thể trạng bụ bẫm. Đối với trường hợp này, bệnh nhi dù lớn tuổi hơn và có thể trạng trung bình nhưng vẫn bị lồng ruột, nguyên nhân có thể liên quan đến hội chứng Henoch-Schönlein purpura, một tình trạng gây viêm các mạch máu nhỏ.”
Nhờ được thăm khám kịp thời khi trẻ chưa có biểu hiện nhiễm trùng, nhiễm độc, ca tháo lồng ruột bằng hơi cho bệnh nhân K đã được thực hiện thành công. Bên cạnh đó, không thể không kể đến yếu tố chuẩn bị kỹ lưỡng cùng với kinh nghiệm lâu năm của đội ngũ bác sĩ phẫu thuật, bác sĩ gây mê đã giúp bệnh nhân thoát khỏi tình trạng đau đớn. Bệnh nhi đã có thể ăn uống và được xuất viện ngay ngày hôm sau.
Lồng ruột ở trẻ xảy ra khi một đoạn ruột chui vào bên trong đoạn ruột kế cận, làm tắc nghẽn đường ruột và ảnh hưởng đến quá trình lưu thông máu. Đây là một tình trạng cấp cứu ngoại khoa phổ biến ở trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ dưới 2 tuổi và cần được xử lý kịp thời để tránh biến chứng nghiêm trọng như nhiễm trùng, hoại tử ruột, thủng ruột.
Trẻ bị lồng ruột sau khi được điều trị vẫn có nguy cơ tái phát đột ngột. Đối với trẻ em dưới 24 tháng tuổi, nếu trẻ đang chơi mà đột nhiên khóc thét và nôn mửa, đó có thể là dấu hiệu lồng ruột. Đối với trẻ lớn hơn, ba mẹ cũng không được phép chủ quan khi trẻ có biểu hiện đau bụng quặn, nôn mửa và đi cầu phân nâu. Vì vậy, khi phát hiện trẻ có các triệu chứng trên, ba mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện để được thăm khám và điều trị kịp thời.