Bác sĩ thường trực 0901 696 115
Hotline CSKH 0974 508 479
Giới thiệu về chúng tôi

ĐỘT QUỴ LÀ GÌ? NGUYÊN NHÂN, DẤU HIỆU NHẬN BIẾT SỚM VÀ CÁCH PHÒNG TRÁNH

Thứ tư, 13/11/2024, 14:31 GMT+7

Bạn có biết rằng cứ 3 phút lại có 1 người trên thế giới qua đời vì đột quỵ? Đây là một con số báo động cho thấy mức độ nguy hiểm của căn bệnh này. Vậy đột quỵ là gì và tại sao nó lại có khả năng gây tử vong cao như vậy? Nếu bạn đang băn khoăn về những câu hỏi này, hãy cùng Tâm Trí Sài Gòn tìm hiểu chi tiết đột quỵ là bệnh gì để từ đó có cách phòng ngừa hiệu quả nhất.

1. Đột quỵ là gì

Đột quỵ hay còn gọi là tai biến mạch máu não. Đây là tình trạng nguồn cung cấp máu đến não bộ bị gián đoạn hoặc giảm đáng kể một cách đột ngột. Điều này dẫn đến việc các tế bào não bị thiếu oxy và chất dinh dưỡng nên tổn thương và chết dần trong vài phút.

Đột quỵ là gì

Đột quỵ xảy ra khi nguồn cung cấp máu cho não bị tắc nghẽn hoặc giảm đột ngột

Đột quỵ được chia thành hai loại là:

Đột quỵ do thiếu máu cục bộ: Theo thống kê, đột quỵ do thiếu máu cục bộ chiếm khoảng 85% tổng số ca đột quỵ hiện nay. Tình trạng này xảy ra khi có sự xuất hiện của các cục máu đông gây tắc nghẽn động mạch và gián đoạn quá trình lưu thông máu đến não. Dựa vào nguồn gốc hình thành cục máu đông, loại đột quỵ này có thể chia thành:

  • Đột quỵ do huyết khối: Huyết khối hoặc mảng bám tích tụ trong động mạch ở cổ hoặc não.
  • Đột quỵ do tắc mạch: Huyết khối hình thành ở nơi khác, có thể là từ tim hoặc do mảng xơ vữa động mạch bong tróc ra và di chuyển đến não gây tắc nghẽn.

Đột quỵ do xuất huyết: Là tình trạng vỡ mạch máu khiến máu chảy ồ ạt, dẫn đến xuất huyết não. Tăng huyết áp và phình động mạch là hai nguyên nhân chủ yếu gây vỡ mạch máu.

Ngoài ra, người bệnh có thể gặp phải tình trạng thiếu máu não thoáng qua hay còn được xem như cơn đột quỵ nhỏ. Nguồn cung cấp máu cho não bộ bị giảm tạm thời, khiến người bệnh xuất hiện những triệu chứng của đột quỵ nhưng chỉ kéo dài trong thời gian ngắn, thường khoảng vài phút. Đây là dấu hiệu cảnh báo nguy cơ đột quỵ có thể xảy ra bất cứ lúc nào mà người bệnh không nên chủ quan.

2. Đột quỵ nguy hiểm như thế nào

Đột quỵ là một trong những bệnh lý thần kinh nguy hiểm có khả năng gây tử vong cao và để lại nhiều di chứng nghiêm trọng nếu không được điều trị kịp thời. Khi đột quỵ xảy ra, việc cung cấp máu đến não bị gián đoạn, khiến cho các tế bào não chết dần chỉ sau vài phút. Cứ mỗi phút trôi qua, gần 2 triệu tế bào não bị tổn thương và chết đi, tương đương với việc tuổi thọ của não già hơn khoảng 3 tuần.

Có rất nhiều trường hợp, dù được cứu sống nhưng đột quỵ vẫn để lại những di chứng nặng nề cho người bệnh như:

  • Liệt mặt: Đây là di chứng thường gặp nhất ở bệnh nhân sau đột quỵ. Có thể dễ dàng quan sát thấy gương mặt người bệnh bị lệch, miệng méo, đặc biệt là khi cười.
  • Rối loạn ngôn ngữ: Rất nhiều bệnh nhân sau đột quỵ gặp phải tình trạng rối loạn ngôn ngữ, không thể
  • Rối loạn chức năng vận động: Đột quỵ có thể ảnh hưởng đến các dây thần kinh vận động, khiến người bệnh di chuyển khó khăn, không thể giữ thăng bằng hoặc tê yếu tay chân, thậm chí là liệt.
  • Suy giảm thị lực: Một biến chứng phổ biến nữa do đột quỵ gây ra đó là tình trạng suy giảm thị lực.
  • Suy giảm trí lực: Não bộ bị tổn thương và khó thể khôi phục hoàn toàn như ban đầu có thể dẫn đến tình trạng mất trí nhớ và ảnh hưởng đến khả năng suy nghĩ, tập trung và tư duy của người bệnh.
  • Chết não: Nếu không được cứu chữa kịp thời, đột quỵ có thể gây chết não, khiến bệnh nhân rơi vào tình trạng thực vật vĩnh viễn.

Di chứng hậu đột quỵ

Liệt mặt, rối loạn ngôn ngữ, mất khả năng vận động là những di chứng thường gặp ở bệnh nhân sau đột quỵ

Chính vì vậy, đối với bệnh nhân đột quỵ, từng giây phút đều vô cùng quý giá. Việc cấp cứu kịp thời và đúng cách không chỉ để cứu sống tính mạng bệnh nhân mà còn hạn chế tối đa các di chứng bệnh và tăng khả hồi phục về sau.

3. Nguyên nhân đột quỵ là gì

Ở phần trên chúng ta đã tìm hiểu đột quỵ là gì cũng như nhận thức được mức độ nguy hiểm của bệnh lý này. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến đột quỵ?

Nguyên nhân gây đột quỵ là các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình lưu thông máu đến não, dẫn đến tình trạng thiếu máu cục bộ hoặc xuất huyết não. Các yếu tố này được chia thành hai nhóm là yếu tố có thể kiểm soát được và không kiểm soát được.

Các yếu tố không kiểm soát được bao gồm:

  • Tuổi tác: Đột quỵ có thể xảy ra ở bất kỳ đối tượng nào. Tuy nhiên, càng lớn tuổi, nguy cơ đột quỵ càng cao, đặc biệt là những ai sau độ tuổi 55.
  • Giới tính: Theo thống kê, tỷ lệ nam giới bị đột quỵ cao hơn so với nữ giới. Tuy nhiên, đột quỵ ở nữ giới có nguy cơ gây tử vong cao hơn.
  • Tiền sử gia đình: Người có người thân từng bị đột quỵ, thiếu máu não thoáng qua hoặc bệnh lý về tim có nguy cơ đột quỵ cao hơn so với người bình thường.
  • Chủng tộc: So với người da trắng, chủng tộc người Mỹ gốc Phi có nguy cơ đột quỵ cao gấp 2 lần.

Yếu tố kiểm soát liên quan đến một số bệnh lý và lối sống, sinh hoạt hàng ngày như:

  • Huyết áp cao: Cao huyết áp làm gia tăng sức ép lên thành động mạch, khiến thành mạch bị tổn thương, có khả năng nứt, vỡ dẫn đến xuất huyết não. Ngoài ra, huyết áp cao còn tạo điều kiện hình thành cục máu đông, cản trở quá trình lưu thông máu lên não, gây đột quỵ.
  • Hút thuốc: Nicotine và carbon monoxide trong khói thuốc gây tổn thương thành mạch máu và làm tăng nguy cơ xơ cứng động mạch.
  • Cholesterol cao, thừa cân: Đây là những yếu tố làm tăng nguy cơ hình thành các mảng xơ vữa, dẫn đến tắc nghẽn mạch máu.
  • Bệnh tim mạch: Các bệnh lý về tim mạch như nhồi máu cơ tim, suy tim có thể dẫn đến hình thành cục máu đông, làm tăng nguy cơ đột quỵ do thiếu máu cục bộ.
  • Đái tháo đường: Lượng đường trong máu cao dễ dẫn đến tích tụ chất béo trong động mạch và hình thành các mảng xơ vữa, làm tăng nguy cơ đột quỵ do tắc mạch.
  • Đột quỵ tái phát: Người có tiền sử bị đột quỵ có nguy cơ tái phát cao trong vài tháng đầu. Nguy cơ này kéo dài đến 5 năm và giảm dần theo thời gian.
  • Lối sống không lành mạnh: Chế độ ăn uống thiếu cân bằng giữa các nhóm chất, lười vận động, nghỉ ngơi không điều độ là những yếu tố làm tăng nguy cơ đột quỵ.

Nguyên nhân đột quỵ

Huyết áp cao là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến đột quỵ

4. Dấu hiệu đột quỵ

Nhận diện kịp thời dấu hiệu đột quỵ là vô cùng quan trọng để có biện pháp xử trí nhanh chóng, gia tăng cơ hội cứu sống người bệnh. Hiện nay, FAST là quy tắc được áp dụng phổ biến, giúp nhận biết nhanh tình trạng đột quỵ. FAST là viết tắt của cụm từ mang ý nghĩa như sau:

  • Face - Khuôn mặt: Khuôn mặt bệnh nhân bị mất cân đối, miệng méo, có thể thấy rõ nhất khi cười.
  • Arm - Tay: Bệnh nhân cảm thấy tay tê yếu và có dấu hiệu bị liệt, không thể nâng tay lên. Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể không nhấc được chân, đi rớt dép…
  • Speech - Lời nói: Khi xảy ra đột quỵ, bệnh nhân có thể bị “á khẩu”, nói ngọng hoặc dính chữ.
  • Time - Thời gian: Nếu người bệnh có bất kỳ dấu hiệu nào kể trên, hãy gọi cấp cứu và đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được chữa trị kịp thời.

Ngoài ra, người bị đột quỵ còn có một số biểu hiện khác như:

  • Cơ thể đột nhiên không còn sức lực;
  • Hoa mắt, thị lực giảm sút;
  • Chóng mặt, đứng không vững, không giữ được thăng bằng;
  • Đau đầu;
  • Buồn nôn, nôn ói…

5. Sơ cứu đột quỵ như thế nào

Việc sơ cứu kịp thời và chính xác là vô cùng quan trọng để cứu sống bệnh nhân đột quỵ cũng như hạn chế tối đa di chứng để lại. Hãy ghi nhớ những lưu ý và hướng dẫn sơ cứu đột quỵ dưới đây để áp dụng khi cần thiết.

  • Gọi cấp cứu ngay lập tức. Đây là điều đầu tiên và quan trọng nhất. Tại Việt Nam, đường dây nóng cấp cứu là 115, hoặc tại khu vực quận 12, quận Gò Vấp và huyện Hóc Môn, bạn có thể liên hệ dịch vụ cấp cứu 24/24 của BVĐK Tâm Trí Sài Gòn qua hotline 0901.696.115.
  • Giữ cho bệnh nhân không bị té ngã.
  • Đặt bệnh nhân nằm nghiêng ở tư thế đầu hơi nâng cao, đồng thời nới lỏng quần áo để giúp thông thoáng đường thở và tránh sặc.
  • Theo dõi chặt chẽ tình trạng bệnh nhân, quan sát kỹ nhịp thở, nhịp tim và các dấu hiệu bất thường khác như nôn mửa, hôn mê…
  • Tuyệt đối không cho người bệnh ăn uống hoặc dùng bất kỳ loại thuốc nào.
  • Không tự ý áp dụng các phương pháp điều trị như cạo gió, châm cứu, bấm huyệt…
  • Nếu bệnh nhân có dấu hiệu thở khò khè, tiết đờm dãi nhiều, bạn có thể dùng khăn sạch quấn vào ngón tay để thấm và loại bỏ chúng.
  • Đối với bệnh nhân có biểu hiện co giật, hãy dùng khăn sạch hoặc vật cứng quấn vải chặn ngang miệng để tránh họ cắn vào lưỡi.

Sơ cứu đột quỵ đúng cách

Sơ cứu kịp thời và chính xác đóng vai trò quan trọng để cứu sống bệnh nhân đột quỵ

6. Các phương pháp điều trị đột quỵ

Khi được đưa đến cơ sở y tế để cấp cứu, các bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám để xác định loại đột quỵ cũng như xác định mức độ nghiêm trọng để đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.

6.1. Điều trị bằng thuốc

Đối với bệnh nhân đột quỵ do thiếu máu cục bộ, bác sĩ có thể chỉ định một số thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch (TPA). Loại thuốc này có khả năng hoạt hóa plasmin, từ đó làm tiêu huyết khối (cục máu đông).

Điều trị đột quỵ bằng thuốc đem lại hiệu quả tốt nhất trong vòng 3 - 4,5 giờ đầu kể từ khi bệnh nhân khởi phát đột quỵ. Nếu vượt quá thời gian này hoặc không xác định chính xác về thời gian đột quỵ hoặc bệnh nhân dưới 18 tuổi, phương pháp này sẽ không được áp dụng.

6.2. Can thiệp nội mạch

Đối với phương pháp điều trị đột quỵ này, bác sĩ có thể dùng ống hút hoặc stent kéo để loại bỏ cục máu đông và tái thông mạch máu. Trường hợp kích thước huyết khối đã nhỏ lại, bệnh nhân có thể được tiêm TPA để làm tan huyết khối. Nếu mạch máu xơ vữa nặng và hẹp nhiều, có thể đặt stent để duy trì sự thông thoáng của mạch và ngăn ngừa tái phát huyết khối.

6.3. Phẫu thuật

Đối với trường hợp xuất huyết nặng, bác sĩ cần can thiệp phẫu thuật để lấy đi các khối máu tụ và giảm áp lực lên mô não. Các phương pháp điều trị đột quỵ bằng phẫu thuật phổ biến gồm có kẹp mạch máu đang chảy, cắt dị dạng động tĩnh mạch, bóc tách động mạch cảnh…

6.4. Thuyên tắc nội mạch

Phương pháp này sử dụng các vòng xoắn kim loại để bít túi phình, ngăn máu chảy ra ngoài làm tổn thương mô não.

6.5. Xạ phẫu lập thể

Đây là phương pháp điều trị đột quỵ hiện đại, sử dụng năng lượng tia xạ để điều chỉnh dị dạng mạch máu. Nhờ đó, xạ phẫu lập thể có khả năng can thiệp các mạch máu nằm gần vùng não dễ bị tổn thương hoặc nằm sâu trong mô não mà các phương pháp phẫu thuật khác khó tiếp cận.

6.6. Điều trị phục hồi chức năng

Sau khi điều trị cấp tính, bệnh nhân sẽ được tập vật lý trị liệu, ngôn ngữ trị liệu để phục hồi các chức năng bị ảnh hưởng.

Điều trị phục hồi chức năng hậu đột quỵ

Các bài tập phục hồi chức năng giúp bệnh nhân cải thiện di chứng hậu đột quỵ

7. Biện pháp phòng ngừa đột quỵ

7.1. Kiểm soát huyết áp và các bệnh lý làm tăng nguy cơ đột quỵ

Huyết áp cao là một trong những tác nhân hàng đầu dẫn đến đột quỵ. Các bệnh lý như tiểu đường, tim mạch, mỡ máu cũng làm tăng nguy cơ này. Tuy nhiên, chúng ta có thể kiểm soát những mối nguy này và chủ động phòng ngừa đột quỵ bằng những biện pháp như:

  • Đo huyết áp thường xuyên để phát hiện sớm dấu hiệu bất thường;
  • Đối với bệnh nhân cao huyết áp, cần tuân thủ phác đồ điều trị và sử dụng thuốc đúng liều lượng được bác sĩ chỉ định;
  • Thăm khám và điều trị các bệnh lý tiểu đường, tim mạch.

7.2. Chế độ ăn lành mạnh

Chế độ ăn uống là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến huyết áp. Bên cạnh đó, một số bệnh lý làm tăng nguy cơ đột quỵ như đái tháo đường, mỡ máu… có thể xuất phát từ việc ăn uống không khoa học. Dưới đây là một số lời khuyên để bạn xây dựng một chế độ dinh dưỡng giúp phòng ngừa đột quỵ hiệu quả:

  • Ăn nhiều rau xanh, trái cây và các loại thực phẩm giàu chất xơ;
  • Ưu tiên các nguồn protein từ thịt trắng, hải sản và trứng thay vì thịt đỏ;
  • Bổ sung các dưỡng chất tốt cho não bộ như Omega-3 bằng cách ăn các thực phẩm như cá hồi, cá thu hoặc sử dụng các loại thực phẩm chức năng;
  • Hạn chế ăn thức ăn chứa nhiều muối, nhiều chất béo bão hòa để kiểm soát huyết áp và cholesterol;
  • Hạn chế ăn đồ ngọt, thực phẩm chứa nhiều đường;
  • Tránh các chất kích thích như rượu, bia, cà phê, và nước ngọt có gas.

Chế độ ăn phòng ngừa đột quỵ

Một chế độ ăn khoa học, cung cấp đầy đủ dưỡng chất giúp chúng ta khỏe mạnh, đẩy lùi bệnh tật

7.3. Điều chỉnh lối sống

Những thói quen thường ngày tưởng chừng vô hại như thức khuya, làm việc quá sức lại là thủ phạm âm thầm gây hại đến sức khỏe của bạn. Để ngăn ngừa đột quỵ xảy ra cũng như bảo vệ sức khỏe của bản thân, bạn có thể tham khảo những biện pháp sau:

  • Cân bằng giữa công việc và nghỉ ngơi;
  • Giữ tinh thần thoải mái, tránh căng thẳng kéo dài;
  • Hạn chế thức khuya, tắm đêm;
  • Tăng cường hoạt động thể chất để cải thiện tuần hoàn máu, kiểm soát cân nặng và huyết áp.
  • Giữ ấm cơ thể, tiêm phòng vaccine đầy đủ để giữ gìn sức khỏe khỏi các bệnh lý phổ biến như cảm cúm, ho gà…, nhất là trong thời điểm giao mùa.

7.4. Khám sức khỏe định kỳ

Khám sức khỏe định kỳ là giải pháp giúp phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ gây đột quỵ, từ đó có biện pháp can thiệp kịp thời.

  • Khám tổng quát định kỳ: Kiểm tra huyết áp, đường huyết, cholesterol, tim mạch...
  • Tầm soát các yếu tố nguy cơ: Đặc biệt đối với người có tiền sử gia đình mắc bệnh tim mạch, đột quỵ.

Tầm soát đột quỵ

Thường xuyên thăm khám sức khỏe để ngăn ngừa nguy cơ đột quỵ

8. Một số câu hỏi thường gặp về bệnh đột quỵ

8.1. Bị đột quỵ bao lâu thì chết/Đột quỵ có gây tử vong không

Đột quỵ là một tình trạng cấp cứu y tế nghiêm trọng, nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách có thể dẫn đến tử vong hoặc để lại di chứng nặng nề. Tỷ lệ tử vong và di chứng phụ thuộc vào thời gian điều trị, loại đột quỵ (nhồi máu não hay xuất huyết não) và mức độ tổn thương. Tóm lại, điều quan trọng là phải nhận biết các dấu hiệu của đột quỵ và đưa bệnh nhân cấp cứu nhanh nhất có thể!

8.2. Đột quỵ có di truyền không

Yếu tố di truyền có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ nhưng không quyết định hoàn toàn. Điều này có nghĩa là không phải ai có tiền sử gia đình bị đột quỵ cũng sẽ mắc bệnh. Bên cạnh yếu tố di truyền, lối sống và các bệnh lý như cao huyết áp, tiểu đường, bệnh tim cũng làm tăng nguy cơ đột quỵ. Do đó để phòng ngừa đột quỵ, ngay cả khi có yếu tố di truyền, việc duy trì lối sống lành mạnh và khám sức khỏe định kỳ là điều rất cần thiết.

8.3. Đột quỵ có bao nhiêu thời gian vàng

Thời gian vàng là khoảng thời gian tốt nhất để cấp cứu và điều trị cho bệnh nhân đột quỵ, giúp tăng cơ hội cứu sống và giảm thiểu biến chứng. Cụ thể:

  • Trong 3 - 4,5 giờ đầu: Với bệnh nhân đột quỵ do thiếu máu cục bộ, đây là khung thời gian phát huy hiệu quả tốt nhất khi sử dụng thuốc để hòa tan cục máu đông, khôi phục tuần hoàn não và giảm nguy cơ di chứng.
  • Trong 6 giờ đầu: Phương pháp can thiệp lấy huyết khối (hút hoặc kéo cục máu đông ra) mang lại hiệu quả cao nếu được thực hiện sớm.

Việc thăm khám, chẩn đoán và điều trị phải diễn ra càng sớm càng tốt để tránh lỡ thời gian vàng. Tùy vào tình hình thực tế, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị đột quỵ phù hợp để cứu sống bệnh nhân và giảm thiểu tối đa nguy cơ biến chứng, tàn tật sau đột quỵ.

8.4. Tại sao đột quỵ ngày càng trẻ hóa

Đột quỵ vốn được xem là căn bệnh của người cao tuổi, tuy nhiên trong những năm gần đây, tình trạng đột quỵ ngày càng trẻ hóa đã trở thành một vấn đề đáng báo động. Theo số liệu thống kê của Hội Đột quỵ thế giới 2022, mỗi năm có hơn 12,2 triệu ca đột quỵ xảy ra, trong đó tỷ lệ bệnh nhân trong độ tuổi 15 - 49 tuổi chiếm 16%. Các chuyên gia cũng cảnh báo một số yếu tố làm tăng nguy cơ đột quỵ ở người trẻ tuổi như:

  • Lối sống ít vận động, ăn uống thiếu khoa học là tác nhân hàng đầu dẫn đến những bệnh lý như béo phì, xơ vữa động mạch, làm tăng nguy cơ đột quỵ;
  • Hút thuốc, lạm dụng rượu bia và chất kích thích;
  • Áp lực, căng thẳng kéo dài, làm việc quá sức;
  • Thói quen thức khuya;
  • Thiếu quan tâm đến sức khỏe, chủ quan không kiểm tra sức khỏe định kỳ.

Đột quỵ hiện nay không chỉ là nỗi ám ảnh của người cao tuổi mà đã trở mối đe dọa tiềm ẩn đối với nhiều bạn trẻ thiếu quan tâm đến sức khỏe. Để bảo vệ bản thân và những người thân yêu, hãy chủ động phòng ngừa đột quỵ bằng cách duy trì một lối sống lành mạnh, kiểm soát các yếu tố nguy cơ và thường xuyên khám sức khỏe định kỳ. Đừng quên chia sẻ bài viết "Đột quỵ là gì?" để cùng nhau nâng cao nhận thức về căn bệnh này!


marketing
dathongbao