Permanent Doctor 0901 696 115
Emergency Hotline 0974 508 479
Giới thiệu về chúng tôi
banner

Chuyên đề Sốt Xuất Huyết - KỲ 7: CHẾ ĐỘ CHĂM SÓC BỆNH NHÂN SỐT XUẤT HUYẾT

, 25/03/2017, 07:48 GMT+7

CHẾ ĐỘ CHĂM SÓC BỆNH NHÂN SỐT XUẤT HUYẾT

CHẾ ĐỘ CHĂM SÓC BỆNH NHÂN SỐT XUẤT HUYẾT

benh-sot-xuat-huyet-5

1. Uống thật nhiều nước

Khi sốt, bệnh nhân dễ bị mất nước, cùng với triệu chứng mệt mỏi, kém ăn, kém uống lại càng gây mất nước thêm. Vì vậy, điều tối quan trọng trong chăm sóc bệnh nhân sốt xuất huyết là cần cho bệnh nhân uống thật nhiều nước (mỗi lần vài ngụm, uống liên tục trong ngày). Lượng nước dùng đối với trẻ dưới 5 tuổi khoảng 500-1.500 ml/ngày, trẻ trên 5 tuổi khoảng 2.000-2.500 ml/ngày.
Tất cả các loại nước suối, nước sôi để nguội, nước cam, nước dừa, nước chanh, nước ép trái cây đều dùng được.
2. Không ăn thực phẩm sẫm màu
Do “đặc thù” của bệnh sốt xuất huyết là rất dễ xảy ra tình trạng xuất huyết (chảy máu) nên bạn cần tránh, không để bệnh nhân ăn hoặc uống bất kỳ loại thực phẩm nào có màu đỏ, nâu, đen trong suốt giai đoạn theo dõi bệnh. Mục đích là để không bị nhầm lẫn, có thể nhận biết dễ dàng bệnh nhân có bị chảy máu dạ dày trong quá trình nôn ói hay không. Những thực phẩm có màu sẫm như nước xá xị, nước trái cây sẫm màu, nước coca, canh củ dền, dưa hấu… khi uống vào, nếu bệnh nhân bị nôn ói hoặc có xảy ra tình trạng xuất huyết dạ dày sẽ khó xác định được.
3. Chọn thức ăn lỏng
Cơ thể sốt rất mệt mỏi, nên cần ưu tiên tối đa trong lúc này những thức ăn lỏng, dễ tiêu như cháo, súp. Tránh ăn những thức ăn quá nhiều dầu mỡ sẽ đầy bụng khó tiêu. Cũng cần lưu ý là bệnh nhân không cần kiêng cữ quá mức mà cần ăn thức ăn đầy đủ chất dinh dưỡng. Ví dụ như cháo cá, cháo thịt băm nấu cùng với một ít rau củ quả các loại. Cho ăn từng ít một, nhiều bữa trong ngày để tránh tình trạng nôn ói.
4. Tuân thủ y lệnh
Như đã nói, không có thuốc điều trị đặc hiệu của bệnh sốt xuất huyết. Tuy nhiên, bác sĩ có thể sẽ cho thuốc hạ sốt, một ít thuốc bổ… để bệnh nhân uống. Cần theo đúng đơn và tuân thủ chặt chẽ mọi hướng dẫn của bác sĩ. Đặc biệt, không được thấy trẻ sốt thì tự ý mua thuốc hạ sốt, vì một số loại thuốc hạ sốt có khả năng ảnh hưởng xấu đến dạ dày, làm tăng nguy cơ chảy máu. Thuốc dùng an toàn là Paracetamol, sử dụng liều lượng theo hướng dẫn, ngày dùng khoảng 4 lần khi bệnh nhân có sốt.
5. Lau mát thường xuyên
Với sốt xuất huyết, bệnh nhân có thể sốt cao lên đến 39-40 độ C. Song song với việc sử dụng thuốc hạ sốt theo hướng dẫn của bác sĩ, cần thường xuyên lau mát cho bệnh nhân để giúp giảm nhiệt độ cơ thể.
Lưu ý: Cách lau mát đúng là dùng khăn sạch, nhúng vào nước ấm vừa phải, sau đó vắt khô lau trán, mặt, tay chân, các vùng nách, bẹn… Không được dùng nước đá, nước lạnh để lau vì càng khiến cơ thể bị sốc nhiệt, sốt cao hơn.
6. Tái khám hàng ngày
Do tình trạng quá tải, một số trường hợp sốt xuất huyết nhẹ có thể được cho điều trị ngoại trú (không nằm viện) với yêu cầu tái khám hàng ngày, có khi tái khám nhiều lần trong ngày. Bạn cần tuân thủ theo đúng những điều này, không được tự ý ngừng tái khám dù thấy bệnh tình của bé không trầm trọng hoặc bé hết sốt. Vì nếu không theo dõi sát sao, có những trường hợp bệnh sẽ trở nặng dù hết sốt.
Đặc biệt lưu ý các dấu hiệu sau để đưa bệnh nhân đến bệnh viện ngay: lừ đừ, li bì, bứt rứt, ói nhiều, đau bụng nhiều, xuất huyết, tay chân lạnh

CHĂM SÓC TRẺ EM BỊ SỐT XUẤT HUYẾT

Đưa trẻ đi khám bệnh ngay. Nếu trường hợp nhẹ, có thể chăm sóc tại nhà như sau:

·         Cho trẻ nghỉ ngơi, tránh chạy nhảy.

·         Cho ăn nhẹ: cháo, súp, sữa…

·         Cho uống nhiều nước hơn bình thường, có thể dùng nước chín để nguội, nước Oresol (nước biển khô, cách pha: 1 gói pha vào 1 lít nước, uống 100-150ml nước/kg cân nặng/ngày), nước cam vắt, nước chanh đường…

·         Hạ sốt với thuốc Paracetamol, lau nước ấm khi sốt cao.

·         Không cho trẻ uống Aspirin (vì gây thêm xuất huyết), không cắt lễ hay cạo gió, không quấn kín hoặc mặc áo nhiều khi trẻ đang sốt, không cữ ăn, không nhịn uống.

Theo dõi bệnh và mang ngay đến bệnh viện khi thấy có các dấu hiệu trở nặng bất ngờ:

·         Trẻ mệt nhiều hơn, vẻ âu lo bứt rứt, li bì hoặc vật vã

·         Tay chân lạnh, đau bụng nhiều hơn

·         Ói nhiều, da đổi màu bầm, môi tím lại.

Cách phòng bệnh sốt xuất huyết cho trẻ em:

·         Cho trẻ mặc quần áo dài tay, ngủ mùng cả ban đêm lẫn ban ngày. Không để trẻ nơi thiếu ánh sáng, ẩm thấp để tránh muỗi chích (đốt).

·         Thoa thuốc chống muỗi lên những vùng da lộ ra ngoài để bảo vệ trẻ mọi lúc, cả ngày lẫn đêm.

·         Đậy kín lu, vại, hồ, bể chứa nước, không tạo nơi cho muỗi đẻ và hàng tuần nên cọ rửa với bàn chải để trứng muỗi rơi ra; thả cá 7 màu diệt lăng quăng (bọ gậy).

·         Dọn dẹp nhà cửa ngăn nắp, sạch thoáng, không treo quần áo làm chỗ cho muối trú đậu, loại bỏ các vật chứa nước đọng (gáo dừa, lon, đồ hộp, ly, chén, chai lọ bể, vỏ xe…), thay nước bình bông mỗi ngày, đổ dầu hôi hoặc pha nhiều muối vào chén nước chống kiến chân tủ thức ăn để triệt nơi sinh sản của muỗi.


nhung.truong
TAG:
dathongbao