Bác sĩ thường trực 0901 696 115
Hotline CSKH 0974 508 479
Giới thiệu về chúng tôi

CÁCH CHỮA BỆNH TRĨ DỨT ĐIỂM KHÔNG NÊN BỎ QUA

Thứ sáu, 08/11/2024, 07:10 GMT+7

Bạn mệt mỏi vì cảm giác đau rát, khó khăn khi đi đại tiện do bệnh trĩ gây ra? Đừng quá lo lắng bởi bệnh trĩ hoàn toàn có thể chữa khỏi nếu được điều trị đúng cách. Trong bài viết này, Tâm Trí Sài Gòn sẽ giới thiệu những cách chữa bệnh trĩ hiệu quả, từ phương pháp tự nhiên như thay đổi thói quen sinh hoạt đến thủ thuật y tế và phương pháp phẫu thuật hiện đại. Đừng bỏ qua nhé!

1. Bệnh trĩ là như thế nào

Bệnh trĩ là tình trạng tĩnh mạch ở hậu môn và trực tràng dưới chịu áp lực dẫn đến căng giãn quá mức và tạo thành các búi trĩ. Bệnh có thể xảy ra ở cả nam và nữ, ở mọi lứa tuổi, nhưng thường gặp hơn ở người trung niên và người cao tuổi.

Trĩ được chia thành 3 dạng chính là:

  • Trĩ nội: Búi trĩ hình thành bên trong hậu môn và được chia thành 4 cấp độ, dựa vào mức độ sa ra ngoài của búi trĩ.
  • Trĩ ngoại: Búi trĩ nằm bên ngoài hậu môn, gây ngứa, sưng, đau xung quanh hậu môn.
  • Trĩ hỗn hợp: Kết hợp cả hai loại trên, gây ra nhiều khó chịu cho người bệnh.

Nguyên nhân gây bệnh trĩ là các yếu tố làm gia tăng áp lực lên hậu môn và trực tràng dưới như:

  • Thói quen ngồi lâu và dùng sức rặn khi đi cầu;
  • Tiêu chảy hoặc táo bón mạn tính;
  • Béo phì;
  • Mang thai;
  • Quan hệ qua đường hậu môn;
  • Chế độ ăn ít chất xơ;
  • Tuổi càng lớn, cấu trúc mô nâng đỡ các tĩnh mạch ở hậu môn và trực tràng trở nên lỏng lẻo và nhão dần làm cho các búi trĩ tụt dần ra ngoài hậu môn hay còn gọi là trĩ nội sa.

Bệnh trĩ là gì

Tuy là bệnh lành tính nhưng bệnh trĩ gây nhiều triệu chứng khó chịu như đau rát, ngứa ngáy, chảy máu khi đi đại tiện

Dù là bệnh lành tính nhưng bệnh trĩ gây ra nhiều triệu chứng khó chịu như đau rát, ngứa ngáy, chảy máu khi đi đại tiện. Bệnh còn tạo ra phiền toái trong việc vệ sinh hậu môn, khiến người bệnh cảm thấy mặc cảm, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Bên cạnh đó, nếu không điều trị kịp thời, bệnh có thể tiến triển nặng và gây biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh.

Trong xã hội hiện đại, nhịp sống bận rộn cùng áp lực công việc khiến nhiều người hình thành thói quen ăn uống vội vàng, không đảm bảo đủ dưỡng chất. Đồng thời, lối sống ít vận động và ít thời gian chăm sóc sức khỏe khiến cho bệnh trĩ ngày càng phổ biến và có xu hướng trẻ hóa. Vậy bệnh trĩ có chữa được không? Cách chữa bệnh trĩ như thế nào? Mời các bạn cùng tìm hiểu ở phần tiếp theo!

2. Bệnh trĩ có chữa được không

Bệnh trĩ hoàn toàn có thể chữa khỏi nếu được phát hiện và điều trị sớm đúng cách. Ở giai đoạn đầu, búi trĩ còn nhỏ và có thể tự co lại, người bệnh áp dụng cách chữa bệnh trĩ bằng một số loại thuốc không kê đơn, kết hợp với điều chỉnh chế độ ăn uống và lối sống để điều trị bệnh trĩ mà không cần phẫu thuật.

Khi bệnh trĩ tiến triển nặng hơn, các phương pháp điều trị nội khoa không đem lại hiệu quả đòi hỏi sự can thiệp của các phương pháp ngoại khoa để loại bỏ hoàn toàn búi trĩ. Trong trường hợp này, người bệnh có thể cần phẫu thuật để tránh biến chứng và ngăn ngừa nguy cơ tái phát.

Việc thăm khám sớm tại các cơ sở y tế uy tín ngay khi có dấu hiệu nghi ngờ bệnh trĩ là rất quan trọng. Điều này không chỉ giúp điều bệnh trĩ trị hiệu quả mà còn ngăn bệnh tiến triển gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người bệnh.

3. Cách chữa bệnh trĩ không cần phẫu thuật

3.1. Cách điều trị bệnh trĩ bằng thuốc tây

Đối với các trường hợp mắc bệnh trĩ ở cấp độ nhẹ (mức độ 1 và 2), người bệnh có thể điều trị bảo tồn và giảm nhẹ triệu chứng bằng cách sử dụng một số loại thuốc. Tuy nhiên, cách chữa bệnh trĩ bằng thuốc Tây cần có sự hướng dẫn của bác sĩ để đảm bảo an toàn và hiệu quả. Tùy thuộc vào mức độ bệnh lý, tình trạng sức khỏe tổng thể của người bệnh, bác sĩ có thể chỉ định một số loại thuốc như:

  • Thuốc bôi: Thuốc chữa trị trĩ dạng bôi thường chứa các hoạt chất như heparin, lidocaine… Bệnh nhân có thể bôi trực tiếp lên búi trĩ để giảm đau, giảm ngứa rát, làm se vết loét và hạn chế viêm nhiễm.
  • Thuốc chống táo bón: Táo bón là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây bệnh trĩ. Do đó, sử dụng các loại thuốc nhuận tràng, thuốc hỗ trợ làm mềm phân để ngăn ngừa táo bón, tránh gây áp lực khiến búi trĩ nghiêm trọng hơn.
  • Thuốc giảm đau và kháng viêm: Đối với trường hợp bệnh trĩ gây ra viêm nhiễm, khiến bệnh nhân đau đớn, bác sĩ có thể kê một số loại thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs) như ibuprofen hoặc paracetamol để hỗ trợ giảm viêm, giảm đau. Tuy nhiên, lạm dụng các loại thuốc này có thể gây ảnh hưởng đến dạ dày và chức năng gan.
  • Thuốc nội tiết tĩnh mạch: Các trường hợp bệnh trĩ nhẹ, búi trĩ có thể tự co, người bệnh có thể sử dụng các loại thuốc này để cải thiện tuần hoàn máu trong búi trĩ, hỗ trợ co thành mạch và làm xẹp búi trĩ.
  • Thuốc đặt: Loại thuốc này đặc biệt hiệu quả đối với các trường hợp trĩ nội, giúp giảm sưng, giảm viêm, và làm dịu cảm giác đau. Vệ sinh hậu môn sạch sẽ, sau đó đặt thuốc trực tiếp vào hậu môn để thuốc tác động vào vùng trĩ bên trong.

Cách chữa bệnh trĩ bằng thuốc Tây

Cách chữa bệnh trĩ bằng thuốc Tây áp dụng với trường hợp trĩ ở cấp độ nhẹ

3.2. Điều trị bệnh trĩ bằng cách điều chỉnh chế độ ăn uống và lối sống

Để hỗ trợ điều trị cũng như ngăn ngừa bệnh trĩ hiệu quả, việc xây dựng chế độ ăn uống và lối sống lành mạnh là rất quan trọng. Dưới đây là những thay đổi đơn giản nhưng hiệu quả giúp cải thiện tình trạng bệnh trĩ:

  • Ăn nhiều rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt để tăng cường chất xơ, ngăn ngừa táo bón.
  • Cố gắng uống đủ nước mỗi ngày để hỗ trợ làm mềm phân, giúp đi đại tiện dễ dàng hơn.
  • Hạn chế ăn đồ cay nóng, nhiều dầu mỡ hoặc tiêu thụ các chất kích thích như rượu, bia, cà phê vì có thể làm tăng nhu động ruột, gây kích ứng hậu môn và khiến tình bệnh nặng thêm.
  • Xây dựng thói quen đi vệ sinh vào một thời điểm cố định mỗi ngày để cơ thể hình thành đồng hồ sinh học, giúp chủ động trong việc đi đại tiện cũng như đi dễ dàng hơn.
  • Không nên ngồi quá lâu trong nhà vệ sinh và hạn chế rặn mạnh để tránh tạo thêm áp lực lên búi trĩ.
  • Đối với những người làm công việc văn phòng hay những công việc yêu cầu ngồi nhiều, hãy dành vài phút mỗi giờ để đứng dậy và đi lại, giúp máu lưu thông tốt hơn, giảm áp lực ở vùng hậu môn.
  • Dành ít nhất 2,5 giờ mỗi tuần cho các hoạt động thể chất như đi bộ, yoga hoặc các môn thể thao khác mà bạn yêu thích. Điều này giúp tăng cường tuần hoàn máu, giảm nguy cơ táo bón và áp lực lên tĩnh mạch hậu môn.
  • Căng thẳng kéo dài có thể ảnh hưởng đến tiêu hóa và gây táo bón. Hãy tập thư giãn qua thiền, hít thở sâu hoặc thực hiện các hoạt động giải trí lành mạnh để giảm áp lực tinh thần.
  • Vệ sinh vùng hậu môn sạch sẽ sau khi đi đại tiện bằng nước sạch và lau khô nhẹ nhàng. Có thể sử dụng nước ấm ngâm hậu môn 10 - 15 phút mỗi ngày để giảm đau và giảm sưng búi trĩ.

Cách chữa bệnh trĩ không cần phẫu thuật

Điều chỉnh chế độ ăn uống và lối sống lành mạnh là cách hỗ trợ điều trị bệnh trĩ hiệu quả

4. Cách chữa bệnh trĩ bằng các phương pháp điều trị ngoại khoa

Khi các phương pháp điều trị nội khoa bằng thuốc Tây và thay đổi chế độ ăn uống, lối sống không cải thiện các triệu chứng hoặc bệnh trĩ đã ở giai đoạn nặng, các phương pháp điều trị ngoại khoa sẽ được cân nhắc.

4.1. Điều trị bệnh trĩ bằng các thủ thuật

  • Thắt dây thun: Bác sĩ sẽ sử dụng một dây cao su thắt quanh gốc búi trĩ để ngăn máu chảy đến búi trĩ, khiến búi trĩ teo lại và tự rụng sau vài ngày. Cách điều trị bệnh trĩ này dễ thực hiện và thường được áp dụng đối với trĩ nội độ 1 và độ 2. Tuy nhiên, nếu quá trình thực hiện không đảm bảo an toàn và không giữ vệ sinh tốt, người bệnh có thể bị nhiễm trùng, viêm loét tại vị trí thắt búi trĩ.
  • Tiêm xơ: Đây là cách chữa bệnh trĩ tối ưu đối với trĩ độ 1, độ 2 và những bệnh nhân suy giảm miễn dịch hoặc mắc bệnh đông máu. Bác sĩ sẽ tiêm hoạt chất làm xơ (phenol 5%, quinine, polidocanol hoặc natri tetradecyl sulfate) giúp búi trĩ co lại và teo dần. Tùy vào tình trạng búi trĩ, bác sĩ có thể chỉ định tiêm nhiều lần để mang lại kết quả tốt nhất.
  • Quang đông hồng ngoại - HCPT: Là cách chữa bệnh trĩ được đánh giá cao bởi độ an toàn, ít gây đau đớn nhưng mang lại khả năng điều trị dứt điểm cho cả trường hợp bệnh trĩ nặng. Quang đông hồng ngoại loại bỏ búi trĩ bằng cách sử dụng tia hồng ngoại để làm đông cứng các mạch máu bên trong, làm cho búi trĩ co lại.
  • Đốt điện và đốt laser: Thủ thuật này đem lại sự an tâm cho người bệnh vì thời gian thực hiện nhanh chóng, ít gây đau đớn và không mất nhiều thời gian hồi phục. Mặt khác, phương pháp này đòi hỏi thiết bị chuyên dụng và bác sĩ có chuyên môn cao thực hiện để phòng ngừa nguy cơ gây bỏng hoặc nhiễm trùng.

4.2. Chữa bệnh trĩ bằng cách phẫu thuật

Khi bệnh trĩ đã ở giai đoạn nặng, cách chữa bệnh trĩ dứt điểm lúc này là phẫu thuật. Dưới đây là hai phương pháp phẫu thuật cắt trĩ phổ biến:

  • Phẫu thuật cắt trĩ kinh điển: Nguyên lý của các phương pháp Miligan Morgan, Ferguson, White Head là can thiệp trực tiếp, cắt bỏ hoàn toàn búi trĩ và các mô xung quanh. Vì vậy, các phương pháp này có khả năng điều trị tận gốc các búi trĩ, phù hợp với trĩ nặng và trĩ hỗn hợp, đồng thời hạn chế nguy cơ tái phát. Hạn chế của phẫu thuật truyền thống đó là khiến người bệnh đau nhiều và cần thời gian dài để hồi phục. Bên cạnh đó, phẫu thuật cắt trĩ kinh điển cũng có thể để lại sẹo hoặc một số biến chứng như hẹp hậu môn nếu không được thực hiện cẩn thận.
  • Phẫu thuật Longo - PPH: Đối với bệnh nhân mắc bệnh trĩ từ độ 3 hoặc trĩ vòng, đây là phương pháp được ưu tiên với ưu điểm an toàn, nhanh chóng và tỷ lệ thành công cao. Một máy khâu nối tự động sẽ được sử dụng để cắt bỏ một phần niêm mạc trực tràng bị sa, sau đó kéo búi trĩ trở lại vị trí ban đầu, để chúng tự teo lại, đồng thời khâu lại vết cắt.

Bệnh trĩ không chỉ khiến người bệnh đau đớn, khó chịu mà còn gây nhiều phiền toái trong sinh hoạt và cuộc sống hàng ngày. Hiện nay, có nhiều cách chữa bệnh trĩ hiệu quả phù hợp với từng mức độ và tình trạng bệnh. Với những trường hợp bệnh trĩ nhẹ, người bệnh có thể áp dụng các biện pháp tự nhiên như thay đổi thói quen ăn uống và lối sống lành mạnh. Đối với các trường hợp trĩ tiến triển nặng hơn, cần đến sự can thiệp của các thủ thuật y tế hoặc phương pháp phẫu thuật hiện đại để điều trị triệt để.

Để lựa chọn cách điều trị bệnh trĩ phù hợp, giúp chữa dứt điểm, bạn nên đến các cơ sở y tế uy tín để được các bác sĩ chuyên khoa thăm khám và tư vấn. Tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Trí Sài Gòn, chúng tôi áp dụng các kỹ thuật điều trị tiên tiến, giúp bệnh nhân nhanh chóng hồi phục và lấy lại cuộc sống bình thường. Đừng chần chừ, hãy liên hệ ngay với chúng tôi qua HOTLINE 0974.508.479 hoặc nhắn tin qua Fanpage Bệnh Viện Đa Khoa Tâm Trí Sài Gòn để đặt lịch khám hoặc hỗ trợ tư vấn nhanh nhất!


marketing
dathongbao