VIÊM DẠ DÀY NÊN ĂN GÌ VÀ KIÊNG GÌ ĐỂ MAU HỒI PHỤC

Tuesday, 01/10/2024, 15:22 GMT+7

Viêm dạ dày nên ăn gì và kiêng gì để mau hồi phục

Viêm dạ dày là một căn bệnh phổ biến, gây ra nhiều khó chịu cho người bệnh trong ăn uống và sinh hoạt hàng ngày. Bên cạnh việc điều trị bằng thuốc, chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện tình trạng viêm và giảm nhẹ triệu chứng. Vậy viêm dạ dày nên ăn gì và kiêng gì? Hãy cùng Tâm Trí Sài Gòn tìm hiểu chi tiết trong bài viết sau.

1. Viêm dạ dày là bệnh gì?

Viêm dạ dày là tình trạng viêm hoặc kích ứng lớp niêm mạc dạ dày. Viêm dạ dày được chia thành viêm dạ dày cấp tính (xảy ra đột ngột) và viêm dạ dày mạn tính (diễn ra âm thầm). Khi bị viêm dạ dày, bệnh nhân thường gặp các triệu chứng sau:

  • Đau hoặc khó chịu ở vùng thượng vị, đau nhiều khi ăn quá no hoặc khi để bụng đói quá lâu.
  • Ăn không tiêu, cảm giác đầy hơi, chướng bụng.
  • Hay ợ, ợ hơi hoặc ợ chua.
  • Buồn nôn hoặc nôn.
  • Không có cảm giác thèm ăn, sụt cân.
  • Trường hợp nặng có thể gây ra xuất huyết tiêu hóa với các biểu hiện chóng mặt, nôn ra máu hoặc đi ngoài phân đen.

Các triệu chứng viêm dạ dày có thể nghiêm trọng hơn nếu như người bệnh ăn các loại thực phẩm có khả năng kích thích niêm mạc. Vì vậy, việc tìm hiểu viêm dạ dày nên ăn gì và kiêng gì là rất cần thiết để hỗ trợ quá trình điều trị và ngăn ngừa tái phát.

>> Tìm hiểu thêm: Ung thư gan là gì?

Triệu chứng viêm dạ dày nghiêm trọng

Triệu chứng viêm dạ dày trở nên nghiêm trọng hơn khi ăn các loại thực phẩm gây kích thích niêm mạc

2. Bệnh nhân viêm dạ dày nên ăn gì

Một trong những nguyên nhân gây viêm dạ dày chính là do thói quen ăn uống thiếu khoa học. Vậy nên không ít người băn khoăn viêm dạ dày nên ăn gì. Dưới đây là một số thực phẩm tốt cho tiêu hóa và dạ dày mà người bệnh nên bổ sung vào thực đơn hàng ngày.

2.1. Sữa chua

Sữa chua chứa nhiều probiotic (lợi khuẩn) giúp cân bằng hệ vi sinh đường ruột, cải thiện hệ tiêu hóa. Bạn nên sử dụng sữa chua không đường sẽ tốt hơn đồng thời nhớ quan sát phản ứng của cơ thể khi ăn để điều chỉnh lượng tiêu thụ phù hợp. Ngoài sữa chua, tương miso hay kombucha cũng là các sản phẩm chứa nhiều lợi khuẩn mà bạn có thể bổ sung vào thực đơn của mình.

Viêm dạ dày nên ăn sữa chua

Viêm dạ dày nên ăn sữa chua để tăng cường lợi khuẩn

2.2. Thực phẩm chứa chất chống oxy hóa

Đáp án cho câu hỏi “Viêm dạ dày nên ăn gì?” không thể thiếu những thực phẩm có chứa chất oxy hóa nhờ khả năng giảm viêm và thúc đẩy quá trình làm lành các vết viêm. Tuy nhiên, không phải loại thực phẩm giàu chất chống oxy hóa nào cũng phù hợp. Một số loại thực phẩm cần tránh bao gồm các loại quả có tính axit như cam quýt và cà chua; chocolate đen do chứa nhiều chất béo; ớt chuông vì tính cay nóng gây kích thích niêm mạc. Thay vào đó, bệnh nhân nên ưu tiên ăn các loại rau lá xanh đậm như cải bó xôi, cải kele, bông cải xanh hoặc các loại trái cây như đu đủ, dâu tằm, dâu tây, việt quất.

Rau xanh tốt cho viêm dạ dày

Các loại rau lá xanh đậm chứa nhiều chất chống oxy hóa rất tốt cho bệnh nhân viêm dạ dày

2.3. Thực phẩm chứa pectin (xơ tan trong nước)

Pectin là một loại chất xơ tan trong nước mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe đường tiêu hóa. Chất này có trong nhiều loại trái cây, đặc biệt là táo, lê và các loại quả họ cam quýt. Đối với người viêm dạ dày, pectin giúp làm dịu viêm và giảm triệu chứng ợ chua, nóng rát nhờ khả năng hấp thụ axit. Đồng thời, khi tiếp xúc với nước trong dạ dày, pectin sẽ tạo thành một lớp gel mỏng bao phủ niêm mạc, bảo vệ dạ dày khỏi kích thích.

2.4. Bổ sung chất xơ và vitamin

Chất xơ trong rau xanh, các loại củ và trái cây giúp ngăn ngừa táo bón, duy trì hệ tiêu hóa khỏe mạnh và giảm nhẹ các triệu chứng viêm dạ dày. Các loại rau có tính axit thấp, ít đường, như mồng tơi, rau dền và các loại đậu như đậu đen, đậu xanh, đậu hà lan giúp trung hòa axit dạ dày, nhờ đó làm thuyên giảm nhanh triệu chứng đau bụng.

Người bị viêm dạ dày nên bổ sung các loại vitamin A, B, C, E để tăng cường hệ miễn dịch và hỗ trợ phục hồi niêm mạc dạ dày. Bạn có thể bổ sung vitamin thông qua trái cây, rau củ, các loại hạt và ngũ cốc. Trong trường hợp không thể cung cấp đủ từ thực phẩm, bạn có thể hỏi ý kiến bác sĩ về việc sử dụng các loại viên uống vitamin tổng hợp.

>> Tìm hiểu thêm: Táo bón là gì?

2.5. Thực phẩm chứa chất béo và protein lành mạnh

Bệnh nhân viêm dạ dày không nên ăn thịt đỏ như thịt bò, thịt cừu, các loại thịt chế biến sẵn như thịt xông khói hoặc xúc xích. Thay vào đó người bệnh nên bổ sung protein từ thịt gia cầm nạc (lưu ý không ăn da), hải sản và cá tự nhiên.

Các loại cá như cá hồi, cá mòi, và cá thu không chỉ giàu protein mà còn chứa nhiều axit béo omega-3 có tác dụng giảm viêm, đặc biệt có lợi cho người bị viêm dạ dày. Ngoài ra, người bệnh có thể tăng cường sử dụng các loại thực phẩm chứa chất béo lành mạnh dễ tiêu hóa như dầu dừa, dầu ô liu, bơ làm từ sữa bò hữu cơ để dễ tiêu hóa và tốt cho sức khỏe dạ dày.

2.6. Thảo mộc có tính kháng viêm

Sử dụng các loại thảo mộc có tính kháng viêm được xem là phương pháp hỗ trợ điều trị viêm dạ dày hiệu quả. Các loại thảo dược như gừng, nghệ, cam thảo, hoa cúc vừa dễ kiếm, vừa dễ biến tấu thành các món ăn, nước uống để bổ sung vào thực đơn hàng ngày cho người bị viêm dạ dày.

Trong đông y, nghệ là một vị thuốc có tác dụng chống viêm, giảm tiết dịch vụ và trung hòa acid dạ dày. Hỗn hợp tinh bột nghệ và mật ong là một bài thuốc điều trị viêm dạ dày hiệu quả, bạn có thể sử dụng để pha nước uống hàng ngày.

Gừng không chỉ là gia vị quen thuộc trong nhiều món ăn mà còn có thể sử dụng để pha trà uống vào mỗi buổi sáng hoặc sau bữa ăn, giúp giảm viêm và cải thiện tiêu hóa. Tương tự, trà hoa cúc làm dịu niêm mạc dạ dày, giảm viêm và giảm triệu chứng đau, ợ nóng.

Viêm dạ dày nên uống trà thảo mộc

Các loại trà thảo mộc như trà gừng, trà hoa cúc có tác dụng giảm viêm

3. Viêm dạ dày nên kiêng gì

Ngoài việc tìm hiểu viêm dạ dày nên ăn gì, người bệnh cần lưu ý kiêng một số loại thực phẩm có thể làm tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng. Dưới đây là một số thực phẩm cần tránh:

  • Thức ăn cay nóng: Các món ăn và các loại gia vị cay nóng như tiêu, ớt, tỏi kích thích dạ dày tiết nhiều axit hơn, khiến tình trạng viêm và các triệu chứng viêm dạ dày trở nên trầm trọng.
  • Thức ăn nhiều dầu mỡ: Các loại thực phẩm chứa chất béo khó tiêu hóa như sữa nguyên kem, phô mai hay đồ ăn chiên rán và thức ăn nhanh làm tăng gánh nặng cho dạ dày, buộc dạ dày phải tiết nhiều axit để tiêu hóa.
  • Đồ ăn lên men và thực phẩm có tính axit: Dưa muối, dấm mẻ, kim chi… và các loại trái cây có tính axit cao như chanh, cam, quýt làm tăng mức độ axit trong dạ dày, gây kích ứng niêm mạc.
  • Thực phẩm sống: Thói quen ăn thực phẩm sống như rau sống, hành tây hoặc các món ăn chưa được chế biến kỹ tạo cơ hội cho các loại vi khuẩn đường ruột xâm nhập vào cơ thể, trong đó có vi khuẩn H.pylori - nguyên nhân hàng đầu gây viêm dạ dày mạn tính.
  • Đồ đông lạnh, đồ đóng hộp: Các loại thực phẩm này thường chứa nhiều chất bảo quản, phẩm màu, chất béo... gây hại cho niêm mạc và sức khỏe dạ dày.
  • Nước có ga: Đây là loại đồ uống chứa nhiều đường và axit sẽ làm cho niêm mạc dạ dày tổn thương nặng nề hơn.
  • Chất kích thích: Rượu bia, đồ uống có cồn, thuốc là và cà phê có thể làm giảm lưu lượng máu tới dạ dày và gây co thắt, từ đó tăng nguy cơ viêm dạ dày.

Viêm dạ dày cần hạn chế rượu bia

Người bị viêm dạ dày cần hạn chế uống rượu bia và các đồ uống có cồn khác

4. Một số lưu ý khi ăn uống dành cho bệnh nhân viêm dạ dày

Cách ăn uống và chế biến thực phẩm đóng vai trò quan trọng trong việc điều trị và ngăn ngừa tái phát viêm dạ dày. Dưới đây là một số lưu ý cần thiết để xây dựng chế độ ăn uống tốt cho dạ dày và sức khỏe tổng quát:

  • Ưu tiên ăn thức ăn mềm như cháo, súp hoặc khi chế biến nên thái nhỏ, nấu chín kỹ hoặc hấp thức ăn thay vì chiên rán để tiêu hóa tốt hơn.
  • Ăn đúng bữa và tránh để bụng đói quá lâu vì khi đó axit dạ dày tiết ra sẽ làm tổn thương niêm mạc.
  • Chia nhỏ bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ trong ngày và không nên ăn quá no để tránh kích thích dạ dày tiết nhiều axit hơn.
  • Ăn chậm, nhai kỹ giúp thức ăn được nghiền nhỏ, dễ tiêu hóa, giảm áp lực lên dạ dày.
  • Hạn chế ăn thức ăn quá nóng hoặc quá lạnh sẽ khiến dạ dày co bóp mạnh hơn gây đau.
  • Uống đủ nước giúp làm loãng dịch vị dạ dày, giảm nguy cơ viêm loét.

5. FAQ

5.1. Viêm dạ dày có ăn được khoai lang không?

Khoai lang là một thực phẩm tốt cho người bị viêm dạ dày. Chất xơ trong khoai lang giúp điều hòa nhu động ruột, ngăn ngừa táo bón và hỗ trợ tiêu hóa. Ngoài ra, loại củ này còn chứa nhiều vitamin A, C và các chất chống oxy hóa giúp làm dịu niêm mạc dạ dày. Tuy nhiên, nếu ăn quá nhiều hoặc ăn khi đói có thể gây đầy bụng.

5.2. Viêm dạ dày nên ăn quả gì?

Trái cây là nguồn cung cấp dồi dào vitamin và khoáng chất cần thiết cho cơ thể, giúp tăng cường sức đề kháng. Người bệnh viêm dạ dày ăn các loại trái cây ít axit và giàu dưỡng chất sẽ giúp hỗ trợ làm giảm các triệu chứng và thúc đẩy quá trình hồi phục. Dưới đây là một số loại trái cây tốt cho người bị viêm dạ dày:

  • Chuối: Chuối có khả năng trung hòa acid trong dạ dày, từ đó giúp bảo vệ lớp niêm mạc. Ngoài ra chuối cũng là loại trái cây cung cấp nhiều năng lượng và hỗ trợ bù đắp kali thiếu hụt do các triệu chứng tiêu chảy hoặc nôn ói.
  • Táo: Táo chứa pectin và giàu flavonoid - một chất chống oxy hóa, giúp cải thiện tiêu hóa và làm dịu lớp niêm mạc bị viêm.
  • Đu đủ: Đu đủ chứa enzym papain hỗ trợ tiêu hóa và giảm các triệu chứng khó chịu như đầy hơi và đau dạ dày.
  • Việt quất, dâu tây: Là loại trái cây giàu flavonoid có khả năng giảm viêm, bảo vệ dạ dày và tăng cường sức khỏe tiêu hóa.
  • Dưa hấu: Có hàm lượng nước cao, giúp làm dịu dạ dày và bổ sung nước cho cơ thể mà không gây kích thích niêm mạc.
  • Lê: Lê ít axit, giàu chất xơ hòa tan, giúp bảo vệ niêm mạc dạ dày và hỗ trợ quá trình tiêu hóa.

Bên cạnh đó, người bệnh nên tránh các loại trái cây có tính axit cao như cam, chanh, bưởi để tránh kích thích dạ dày.

Viêm dạ dày nên ăn trái cây

Vitamin và khoáng chất trong trái cây hỗ trợ làm giảm các triệu chứng viêm dạ dày và thúc đẩy quá trình hồi phục

5.3. Viêm dạ dày nên uống gì?

Người bị viêm dạ dày nên chọn những loại đồ uống nhẹ nhàng, ít kích thích để giúp làm dịu niêm mạc dạ dày và hỗ trợ tiêu hóa. Bên cạnh nước lọc, người bệnh có thể uống nước ép từ các loại trái cây như táo, lê, dưa hấu, hỗ trợ cung cấp vitamin, khoáng chất và chất xơ.

Các loại trà thảo mộc như trà gừng, trà hoa cúc và trà cam thảo có công dụng làm dịu niêm mạc, giảm viêm hiệu quả. Để bổ sung probiotic giúp cân cân bằng hệ vi sinh vật đường ruột, hỗ trợ tiêu hóa và tăng cường sức đề kháng, sữa chua uống là sự lựa chọn tuyệt vời. Những đồ uống này không chỉ an toàn mà còn mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe dạ dày.

Bài viết đã giúp chúng ta hiểu rõ tầm quan trọng của chế độ ăn uống trong việc điều trị và phòng ngừa viêm dạ dày. Ngoài ra, Tâm Trí Sài Gòn cũng cung cấp những thông tin hữu ích về việc viêm dạ dày nên ăn gì và kiêng gì nhanh chóng hồi phục. Nếu bạn đang gặp phải các triệu chứng viêm dạ dày, đừng ngần ngại đến gặp bác sĩ để được tư vấn phương pháp điều trị cũng như xây dựng chế độ ăn uống phù hợp nhất với tình trạng sức khỏe của bản thân.

Liên hệ cho chúng tôi qua HOTLINE 0974.508.479 hoặc nhắn tin qua Fanpage Bệnh Viện Đa Khoa Tâm Trí Sài Gòn để đặt lịch khám hoặc hỗ trợ tư vấn nhanh nhất!

 

marketing
dathongbao