THOÁT VỊ ĐĨA ĐỆM LÀ GÌ? NGUYÊN NHÂN, TRIỆU CHỨNG, CHẨN ĐOÁN VÀ CÁCH ĐIỀU TRỊ

Tuesday, 12/11/2024, 07:18 GMT+7

 

Thoát vị đĩa đệm là gì 

Thoát vị đĩa đệm là một bệnh lý cơ xương khớp phổ biến, gây nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Để hiểu rõ hơn thoát vị đĩa đệm là gì, trước hết hãy xem qua cấu trúc và chức năng của đĩa đệm.

Đĩa đệm đóng vai trò như lớp đệm giữa các đốt sống, chịu trách nhiệm giảm áp lực và tạo sự linh hoạt cho cột sống. Cấu trúc đĩa đệm bao gồm lớp nhân nhầy ở giữa, bao quanh bởi các vòng collagen hay còn gọi là bao xơ và lớp tấm sụn bên ngoài cùng.

Thoát vị đĩa đệm xảy ra khi phần nhân nhầy của đĩa đệm trượt ra khỏi vị trí bình thường, gây chèn ép lên dây thần kinh hoặc tủy sống. Tình trạng này có thể xảy ra ở bất kỳ đĩa đệm nào, trong đó phổ biến nhất là thoát vị đĩa đệm cột sống lưng và thoát vị đĩa đệm cổ.

Bệnh thoát vị đĩa đệm được chia làm 4 giai đoạn:

  • Giai đoạn 1: Đây còn gọi là giai đoạn chớm bệnh khi đĩa đệm có dấu hiệu biến dạng nhưng bao xơ chưa rách, nhân nhầy chưa thoát ra ngoài. Triệu chứng thoát vị đĩa đệm lúc này còn khá mơ hồ, người bệnh thỉnh thoảng cảm thấy tê tay, tê chân, có cảm giác đau nhưng cơn đau đến từng cơn rồi biến mất nên hầu hết khó phát phát bệnh ở giai đoạn này.
  • Giai đoạn 2: Bao sơ lúc này đã suy yếu nhiều, nhân nhầy bắt đầu trượt ra ngoài khiến cho đĩa đệm phình to. Triệu chứng bệnh lúc này đã rõ ràng hơn, những cơn đau xuất hiện thường xuyên và dữ dội hơn, chủ yếu ở vùng lưng hoặc vùng vai gáy.
  • Giai đoạn 3: Bao sơ rách hoàn toàn khiến nhân nhầy tràn ra ngoài, gây chèn ép tủy sống và rễ thần kinh xung quanh. Người bệnh thường xuyên đau nhức với cường độ ngày càng tăng, ảnh hưởng đến khả năng vận động, thậm chí phải nằm một chỗ.
  • Giai đoạn 4: Ở giai đoạn này, nhân nhầy đã biến dạng nghiêm trọng, bao xơ và vòng sụn bị xơ hóa và bị phá vỡ toàn bộ. Chiều cao khoang đốt sống giảm rõ rệt, dẫn đến các biến chứng như hẹp ống sống, hư khớp đốt sống, mọc gai xương ở bờ viền của các thân đốt sống. Đồng thời, rễ thần kinh bị chèn ép lâu ngày còn gây ra những biến chứng nguy hiểm như teo cơ, liệt cơ dẫn đến bại liệt, mất khả năng vận động.

Phân loại thoát vị đĩa đệm

Dựa vào vị trí của đĩa đệm bị thoát vị, bệnh được phân loại như sau:

  • Thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ;
  • Thoát vị đĩa đệm cổ - ngực;
  • Thoát vị đĩa đệm cột sống ngực;
  • Thoát vị đĩa đệm lưng - ngực;
  • Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng.

Dựa vào mức độ chèn ép của đĩa đệm thoát vị đối với dây thần kinh và tủy sống, bệnh được chia thành:

  • Thoát vị thể trung tâm: Phần nhân nhầy trượt ra ngoài và chèn ép trực tiếp lên tủy sống. Mặc dù không gây tê bì chân tay nhưng đây là tình trạng nguy hiểm nhất vì khi nhân nhầy chèn ép càng nhiều, bệnh nhân có nguy cơ mất hoàn toàn chức năng vận động và khả năng kiểm soát hệ bài tiết.
  • Thoát vị cạnh trung tâm: Phần nhân nhầy thoát ra ngoài chèn ép lên cả tủy sống và rễ thần kinh.
  • Thoát vị chèn ép rễ thần kinh phải hoặc trái.

Dựa vào vị trí thoát vị, các thể thoát vị đĩa đệm bao gồm:

  • Thoát vị đĩa đệm ra sau: Là thể thoát vị thường gặp với triệu chứng điển hình như đau nhức, đau lan và tê bì…
  • Thoát vị đĩa đệm ra trước: Hay còn gọi là thoát vị đĩa đệm nội xốp với phần nhân nhầy thoát vị chèn ép vào thân ống sống.

Phân loại thoát vị đĩa đệm dựa theo mối liên hệ với dây chằng dọc sau, cụ thể như sau:

  • Thoát vị đĩa đệm dưới dây chằng dọc sau: Dây chằng còn nguyên vẹn và chưa bị rách;
  • Thoát vị đĩa đệm qua dây chằng dọc sau: Dây chằng đã bị rách, phần nhân nhầy thoát vị đi qua chỗ rách và chèn ép lên rễ thần kinh;
  • Thoát vị đĩa đệm di trú: Khối thoát vị di chuyển khỏi vị trí tương ứng với đĩa đệm (có thể lên trên hoặc xuống dưới)

Nguyên nhân thoát vị đĩa đệm là gì

Thoát vị đĩa đệm có thể do nhiều nguyên nhân gây ra. Trong đó, những nguyên nhân phổ biến nhất được Bác sĩ Vương Hữu Định chia sẻ gồm có:

  • Những người làm công việc văn phòng, phải ngồi lâu một chỗ;
  • Người làm công việc nặng, thường xuyên mang vác nặng trên lưng và cổ;
  • Chấn thương do tai nạn;
  • Thoái hóa cột sống do tuổi già;
  • Các nguyên nhân liên quan đến yếu tố di truyền hoặc mắc các bệnh lý bẩm sinh liên quan đến cột sống.

Triệu chứng thoát vị đĩa đệm phổ biến

Triệu chứng thoát vị đĩa đệm có sự khác biệt tùy thuộc vào vị trí và dây thần kinh phân nhân nhầy của đĩa đệm chèn ép. Bác sĩ Vương Hữu Định - BSCKII Khoa Chấn thương chỉnh hình BVĐK Tâm Trí Sài Gòn cho biết, triệu chứng đầu tiên khi một người bị thoát vị đĩa đệm là cảm giác đau. Bệnh nhân có thể cảm thấy đau nhức ngay tại vị trí đĩa đệm thoát vị, đau dọc theo rễ thần kinh, đau một hoặc hai bên của cột sống. Tình trạng thoát vị đĩa đệm kéo dài nhưng không được điều trị sẽ làm hư rễ thần kinh hoặc tủy thần kinh bị chèn ép, dẫn đến hậu quả yếu liệt sau này.

Cách chẩn đoán bệnh thoát vị đĩa đệm

Đầu tiên bác sĩ sẽ dựa vào các triệu chứng lâm sàng để xác định vị trí và mức độ tổn thương. Sau đó, bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra các phản xạ, khả năng vận động và cảm giác ở tay và chân để đánh giá ảnh hưởng của thoát vị đĩa đệm lên dây thần kinh.

Tùy theo tình trạng, người bệnh sẽ được chỉ định thực hiện tiếp một số xét nghiệm cận lâm sàng để đưa ra kết luận chính xác về tình trạng bệnh. Các phương pháp chẩn đoán cận lâm sàng được sử dụng phổ biến như:

  • Chẩn đoán hình ảnh: Các phương pháp như X-quang, CT Scan, MRI và chụp cản quang đều cung cấp hình ảnh chi tiết về cấu trúc cột sống và đĩa đệm. MRI là phương pháp hiệu quả nhất, giúp xác định chính xác vị trí, kích thước và mức độ chèn ép của đĩa đệm thoát vị lên dây thần kinh.
  • Đo điện cơ: Thử nghiệm này đo lường hoạt động điện của cơ để kiểm tra chức năng của các dây thần kinh, từ đó xác định dây thần kinh nào bị chèn ép do thoát vị đĩa đệm.

Các phương pháp chữa thoát vị đĩa đệm

Điều trị thoát vị đĩa đệm bằng thuốc nhằm làm giảm các cơn đau và cải thiện tình trạng căng cứng cơ khớp. Một số loại thuốc thường được chỉ định như thuốc giảm đau acetaminophen, thuốc kháng viêm không steroid hoặc corticosteroid… Tuy nhiên cần lưu ý cách chữa trị này không có tác dụng điều trị triệt để nguyên nhân gây bệnh, đồng thời bệnh nhân có thể gặp một số tác dụng phụ khi sử dụng như chóng mặt, buồn nôn hoặc viêm loét dạ dày, suy giảm chức năng gan, thận nếu như lạm dụng.

Biện pháp phòng ngừa thoát vị đĩa đệm

Thoát vị đĩa đệm là một vấn đề sức khỏe khá phổ biến, đặc biệt ở những người làm việc văn phòng, người thường xuyên nâng vật nặng hoặc người cao tuổi. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể phòng ngừa tình trạng này bằng những cách sau:

  • Tập luyện các bài tập hoặc chơi các môn thể thao vừa sức như yoga, bơi lội, đạp xe, chạy bộ… giúp tăng cường sự dẻo dai cho xương khớp.
  • Tránh ngồi quá lâu một chỗ và hạn chế các hoạt động nặng như khiêng vác…
  • Giảm cân, duy trì cân nặng ở mức hợp lý
  • Ăn uống khoa học, bổ sung canxi, vitamin D giúp xương khớp khỏe mạnh hơn.
  • Tránh sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá, cà phê.
  • Kiểm tra sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần phát hiện sớm bệnh tình hoặc đến ngay cơ sở y tế khi có các dấu hiệu bất thường như đau, tê chân tay, đi tiểu khó khăn hoặc tay chân yếu đi đột ngột…

marketing
dathongbao