TÁO BÓN Ở TRẺ EM - NHỮNG ĐIỀU BA MẸ CẦN LƯU Ý

Monday, 28/10/2024, 07:54 GMT+7

Táo bón ở trẻ em - Những điều ba mẹ cần lưu ý

Táo bón ở trẻ là vấn đề nan giải khiến không ít bậc phụ huynh lo lắng. Táo bón không chỉ gây ra sự khó chịu, cơn đau tạm thời mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển toàn diện của trẻ. Vậy để ngăn ngừa táo bón ở trẻ, ba mẹ cần lưu ý những gì? Hãy cùng Tâm Trí Sài Gòn tìm hiểu trong bài viết sau đây!

1. Táo bón ở trẻ em là như thế nào

Táo bón ở trẻ là tình trạng tần suất đi đại tiện của trẻ ít hơn bình thường và phân khô, cứng, trẻ phải dùng sức rặn mạnh. Điều này khiến trẻ cảm thấy khó chịu, đau đớn và căng thẳng mỗi khi đi đại tiện.

Tần suất đi đại tiện của trẻ phụ thuộc vào độ tuổi và chế độ dinh dưỡng, cụ thể như sau:

  • Hầu hết trẻ sơ sinh đi ngoài phân xu trong vòng 24 giờ sau sinh.
  • Trong tuần đầu tiên của cuộc đời, trẻ đi tiêu trung bình 4 - 8 lần/ngày.
  • Trong 3 tháng đầu, tần suất đi ngoài trung bình của trẻ bú sữa mẹ là 3 lần/ngày. Đối với trẻ uống sữa công thức, con số phù hợp là 2 lần/ngày.
  • Trẻ từ 1 - 3 tuổi, số lần đi ngoài giảm xuống < 2 lần/ngày.
  • Sau 3 tuổi, tần suất đi đại tiện trung bình của trẻ là 1 lần/ngày.

Trường hợp trẻ 3 - 4 ngày mới đi đại tiện nhưng phân mềm xốp, trẻ đi dễ thì không được xem là táo bón.

2. Nguyên nhân gây táo bón ở trẻ

Táo bón ở trẻ em được chia thành 2 nhóm chính là táo bón do nguyên nhân thực thể và táo bón do nguyên nhân chức năng.

2.1. Nguyên nhân thực thể

Các nguyên nhân thực thể gây táo bón ở trẻ tuy không phổ biến nhưng cần được phát hiện sớm và điều trị bằng phương pháp đặc hiệu để tránh các biến chứng nguy hiểm: Dưới đây là một số nguyên nhân thường gặp nhất:

  • Bệnh Hirschsprung: Là tình trạng thiếu vắng bẩm sinh các tế bào thần kinh ở phần cuối ruột, làm cho cơ ruột mất khả năng co bóp. Điều này khiến phân không di chuyển được và ứ đọng lại, gây táo bón kéo dài.
  • Bệnh cường giáp: Khi tuyến giáp hoạt động quá mức và sản xuất hormone giáp nhiều hơn nhu cầu của cơ thể sẽ gây rối loạn chức năng chuyển hóa, bao gồm giảm nhu động ruột, dẫn đến táo bón.
  • Bệnh đái tháo đường: Đường huyết tăng cao gây ảnh hưởng đến hệ thần kinh, trong đó bao gồm các dây thần kinh kiểm soát tiêu hóa. Điều này làm giảm nhu động ruột và gây táo bón.
  • Các bệnh lý thần kinh: Những bệnh như bại não hoặc bất thường ở tủy sống có thể gây tổn thương hệ thần kinh điều khiển hoạt động tiêu hóa, dẫn đến táo bón ở trẻ.

2.2. Nguyên nhân chức năng

Táo bón ở trẻ do nguyên nhân chức năng thường liên quan đến chế độ dinh dưỡng và thói quen đi đại tiện của trẻ, chẳng hạn như:

  • Trẻ sơ sinh thường bị táo bón nếu bú không đủ sữa, dẫn đến thiếu nước và làm phân khô, cứng.
  • Đối với trẻ uống sữa công thức có hàm lượng protein cao, phân thường có màu xanh và cứng, gây khó khăn khi đi đại tiện.
  • Nhiều trẻ có thói quen nhịn đi đại tiện do ngại nói với người lớn, ngại đi vệ sinh trên trường học hoặc sợ đau, khiến phân tích tụ lâu trong ruột và trở nên khô, cứng.
  • Đối với trẻ đã bắt đầu ăn dặm, chế độ thiếu hụt chất xơ là một nguyên nhân gây táo bón phổ biến.
  • Ngoài ra, trẻ ít vận động có nguy cơ bị táo bón cao hơn vì các hoạt động thể chất giúp kích thích nhu động ruột và đẩy phân ra ngoài dễ dàng.

3. Dấu hiệu táo bón ở trẻ

Những dấu hiệu sau đây giúp ba mẹ nhận biết sớm táo bón ở trẻ để điều trị sớm tránh các biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển toàn diện của trẻ.

  • Trẻ đi tiêu ít hơn bình thường, khoảng cách giữa các lần đi tiêu kéo dài hơn 2 - 3 ngày đối với trẻ sơ sinh hoặc hơn 3 - 4 ngày đối với trẻ lớn hơn.
  • Trẻ đi ngoài phân khô, cứng, có thể lổn nhổn từng viên nhỏ giống phân dê, phân có thể lẫn máu.
  • Trẻ đi ngoài khó khăn, mặt đỏ bừng do phải dùng sức rặn mạnh.
  • Trẻ khó chịu, dễ cáu gắt hoặc hay quấy khóc.
  • Bụng căng hoặc sờ thấy cục cứng do phân tích tụ lâu trong ruột.
  • Trẻ có biểu hiện chán ăn, bỏ bữa, cân nặng giảm sút.
  • Trẻ sợ đi vệ sinh, hay sốt ruột, bồn chồn khi đi đại tiện.

4. Táo bón ở trẻ kéo dài gây ra biến chứng gì

Táo bón kéo dài không chỉ gây khó chịu cho trẻ mà còn tiềm ẩn nguy cơ biến chứng nguy hiểm. Dưới đây là một số biến chứng trẻ có thể gặp phải khi trẻ bị táo bón lâu ngày:

  • Suy dinh dưỡng: Táo bón thường xuyên khiến trẻ khó chịu vì đầy bụng, đồng thời, trẻ còn có biểu hiện chán ăn và bỏ bữa dẫn đến thiếu hụt dinh dưỡng và sụt cân. Nếu kéo dài, trẻ dễ bị suy dinh dưỡng, ảnh hưởng đến phát triển thể chất và trí tuệ của trẻ.
  • Nứt kẽ hậu môn: Táo bón khiến phân trở nên khô và cứng, trẻ phải dùng sức rặn để đẩy phân ra ngoài. Điều này có thể gây tổn thương niêm mạc hậu môn khi đi đại tiện, dẫn đến nứt kẽ hậu môn. Tình trạng này không chỉ gây đau đớn mà còn tạo ra tâm lý sợ đi tiêu, làm táo bón càng trầm trọng hơn.
  • Sa trực tràng: Việc phải rặn mạnh thường xuyên khi đại tiện làm tăng áp lực lên trực tràng, khiến niêm mạc trực tràng bị đẩy ra ngoài qua hậu môn, hay còn gọi là sa trực tràng. Sa trực tràng khiến trẻ khó chịu và đau đớn ở hậu môn, nghiêm trọng hơn có thể gây chảy máu khi đại tiện.
  • Viêm ruột thừa: Phân tích tụ trong ruột lâu ngày làm suy giảm chức năng của ruột già và làm tăng áp lực trong lòng ruột gây viêm ruột thừa. Ngoài ra, ruột có thể bị giãn quá mức làm tăng nguy cơ thủng ruột.
  • Nhiễm trùng đường ruột: Sự tích tụ phân lâu ngày trong đường ruột tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi và gây nhiễm trùng đường ruột. Trẻ bị nhiễm trùng có thể đau bụng, tiêu chảy, thậm chí sốt cao và cần can thiệp y tế.

5. Khi nào cần đưa trẻ đi khám bác sĩ

Táo bón ở trẻ em thường chỉ xảy ra trong thời gian ngắn và có thể cải thiện hiệu quả bằng cách các trị táo bón cho trẻ tại nhà. Tuy nhiên, nếu tình trạng táo bón kéo dài hoặc xuất hiện các dấu hiệu dưới đây, bố mẹ cần đưa con đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám kịp thời:

  • Táo bón ở trẻ sơ sinh dưới 4 tháng tuổi kèm theo nôn mửa hoặc quấy khóc nhiều.
  • Táo bón kéo dài trên 7 ngày và không cải thiện dù đã thử các biện pháp điều trị tại nhà.
  • Táo bón ở trẻ tái phát thường xuyên, khoảng cách giữa các lần đi đại tiện ngày càng xa nhau.
  • Táo bón kèm theo triệu chứng bất thường như đau bụng dữ dội, sốt, sụt cân, phân lẫn máu…

6. Chẩn đoán táo bón ở trẻ

Chẩn đoán chính xác và kịp thời tình trạng táo bón ở trẻ em là bước cần thiết để bác sĩ đưa ra phương án điều trị phù hợp, đảm bảo sức khỏe lâu dài cho bé. Vậy quá trình chẩn đoán táo bón ở trẻ như thế nào?

6.1. Hỏi thăm tiền sử và triệu chứng bệnh lý ở trẻ

Khi đưa trẻ đến bệnh viện, đầu tiên các bác sĩ sẽ thăm hỏi về các triệu chứng để đánh giá sơ bộ:

  • Trẻ bắt đầu xuất hiện triệu chứng táo bón từ khi nào;
  • Tần suất đi đại tiện của trẻ trong 1 tuần;
  • Tính chất phân: khô, cứng, cục to, lổn nhổn, máu lẫn trong phân…;
  • Biểu hiện của trẻ khi đi đại tiện: nín nhịn, gồng cứng người, rặn mạnh, đau, khó chịu…;
  • Các triệu chứng khác: đau bụng, nôn mửa, chán ăn, cáu gắt…

6.2. Tiến hành thăm khám

Tiếp theo, bác sĩ sẽ tiến hành các thủ thuật thăm khám lâm sàng.

  • Khám bụng: Bác sĩ ấn nhẹ để kiểm tra dấu hiệu chướng bụng, tắc ruột hoặc xác định khối phân.
  • Khám hậu môn – trực tràng: Kiểm tra tình trạng hậu môn (lỗ dò, vết nứt…).
  • Khám trực tràng: Xác định khối phân, độ co giãn của cơ thắt hậu môn, đánh giá tình trạng trực tràng.

6.3. Chẩn đoán cận lâm sàng

  • X-quang bụng không chuẩn bị: Được chỉ định nếu trẻ không hợp tác để thăm khám hậu môn - trực tràng hoặc có nghi ngờ tổn thương bên trong.
  • X-quang có thuốc cản quang: Chụp thẳng và nghiêng đại tràng trong tình huống nghi ngờ trẻ bị táo bón do nguyên nhân thực thể, chẳng hạn như phình đại tràng bẩm sinh.
  • Chụp lưu thông đại tràng có đánh dấu phóng xạ: Phương pháp này ít được sử dụng hơn nhằm xác định trẻ són phân do táo bón hay không do táo bón.
  • Đo áp lực ở hậu môn trực tràng: Kỹ thuật này được sử dụng trong các trường hợp táo bón kéo dài, giúp phát hiện các nguyên nhân bệnh lý gây triệu chứng táo bón ở trẻ.
  • Các xét nghiệm cận lâm sàng khác: Xét nghiệm sinh hóa máu, CT, hoặc MRI trong trường hợp nghi ngờ táo bón do nguyên nhân thực thể.

7. Cách chăm sóc trẻ bị táo bón ba mẹ cần lưu ý

Khi trẻ bị táo bón, điều mà ba mẹ quan tâm là làm thế nào để giúp con yêu vượt qua tình trạng này. Dưới đây là một số cách trị táo bón cho trẻ đơn giản nhưng hiệu quả, ba mẹ có thế tham khảo và áp ngay tại nhà.

  • Bổ sung chất xơ trong chế độ ăn: Chất xơ hỗ trợ làm mềm phân và kích thích nhu động ruột, giúp cải thiện và ngăn ngừa táo bón. Hãy đảm bảo trẻ có một chế độ ăn cung cấp đủ chất xơ bằng cách bổ sung nhiều rau xanh, trái cây như chuối, táo, lê, bông cải xanh, cà rốt,... Ngoài ra, ngũ cốc nguyên hạt cũng là nguồn cung cấp chất xơ dồi dào ba mẹ có thể thêm vào thực đơn của con.
  • Đảm bảo trẻ uống đủ nước mỗi ngày: Thiếu nước là một trong những nguyên nhân gây táo bón ở trẻ. Cung cấp đủ nước giúp cơ thể trao đổi chất tốt hơn, giúp làm mềm phân để dễ dàng đào thải.
  • Khuyến khích trẻ vận động: Các hoạt động thể chất như chạy nhảy, đạp xe, hoặc chơi ngoài trời giúp kích thích nhu động ruột hoạt động hiệu quả, ngăn ngừa táo bón.
  • Tránh các thực phẩm gây táo bón: Ba mẹ nên hạn chế cho con ăn bánh mì trắng, thực phẩm chứa nhiều đường và chất béo vì có thể khiến tình trạng táo bón trầm trọng hơn.
  • Tạo thói quen đi vệ sinh đúng cách: Hãy tạo cho trẻ thói quen đi vệ sinh đều đặn mỗi ngày vào một khung giờ cố định hoặc khi trẻ có cảm giác muốn đi vệ sinh, hãy tạo điều kiện thuận lợi để trẻ đi ngay.
  • Tham khảo ý kiến bác sĩ khi cần thiết: Nếu tình trạng táo bón ở trẻ kéo dài hoặc kèm theo các triệu chứng bất thường, hãy đưa bé đi khám để được tư vấn và điều trị kịp thời.

Việc duy trì một lối sống lành mạnh và chế độ ăn uống hợp lý là cách tốt nhất để phòng ngừa và điều trị táo bón cho trẻ.


marketing
TAG:
dathongbao