Giới thiệu về chúng tôi
banner

10 CÁCH TRỊ TÁO BÓN CHO TRẺ GIÚP GIẢM KHÓ CHỊU NHANH CHÓNG

Thursday, 24/10/2024, 10:30 GMT+7

10 cách trị táo bón cho trẻ giúp giảm khó chịu nhanh chóng

Táo bón ở trẻ em là tình trạng trẻ đi đại tiện không thường xuyên và phân khô, cứng gây đau đớn. Đây là vấn đề khiến nhiều bậc phụ huynh lo lắng vì táo bón kéo dài có nguy cơ gây ra một số biến chứng nguy hiểm như sa trực tràng, nứt kẽ hậu môn… Vì vậy, việc tìm ra giải pháp an toàn giúp khắc phục hiệu quả là vô cùng cần thiết. Trong bài viết này, Tâm Trí Sài Gòn sẽ bật mí 10 cách trị táo bón cho trẻ mà ba mẹ có thể áp dụng ngay tại nhà để giúp con yêu không còn khó chịu.

1. Táo bón ở trẻ em là gì

Táo bón ở trẻ em là tình trạng tần suất đi đại tiện của trẻ ít hơn bình thường. Đối với trẻ sơ sinh, tần suất đi đại tiện dưới 2 ngày/tuần; trẻ từ 6 - 12 tháng tuổi đi đại tiện dưới 3 lần/tuần; trẻ từ 1 tuổi đại tiện dưới 2 lần/tuần kèm với triệu chứng phân khô cứng, trẻ cảm thấy đau, khó khăn trong việc đi tiêu thì được xem là táo bón. Trường hợp trẻ ít đi đại tiện nhưng phân mềm, xốp thì không được xem là táo bón.

Táo bón là vấn đề tiêu hóa thường gặp ở trẻ em, khiến trẻ khó chịu do cảm giác chướng bụng và đau khi đại tiện. Tình trạng này xảy ra thường xuyên có thể gây ra rào cản tâm lý cho trẻ mỗi khi đi vệ sinh dẫn đến táo bón nặng và gây ra các biến chứng nghiêm trọng như sa trực tràng, nứt kẽ hậu môn…

Táo bón ở trẻ em

Táo bón ở trẻ em là tình trạng khó khăn khi đi đại tiện và đi không thường xuyên

2. Nguyên nhân gây táo bón ở trẻ

Nguyên nhân gây táo bón ở trẻ được chia thành 2 nhóm là nguyên nhân thực thể và nguyên nhân chức năng. Ba mẹ cần xác định chính xác nguyên nhân để áp dụng cách trị táo bón cho trẻ đem lại hiệu quả tốt nhất.

2.1. Nguyên nhân chức năng

Các yếu tố như chế độ dinh dưỡng, thói quen nhịn đi vệ sinh, ít vận động… là những nguyên nhân hàng đầu gây táo bón ở trẻ em. Cụ thể như sau:

  • Táo bón ở trẻ bú ít sữa: Đối với trẻ nhỏ dưới 12 tháng tuổi, sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng thiết yếu. Khi bú ít sữa, trẻ sẽ dễ đói và thiếu nước, khiến cho lượng phân ít đi, phân dễ khô cứng.
  • Táo bón ở trẻ sơ sinh uống sữa công thức: Một số thành phần trong sữa công thức khó hấp thụ đối với hệ tiêu hóa chưa hoàn thiện của trẻ, gây ra tình trạng táo bón.
  • Chế độ ăn uống của mẹ: Yếu tố này ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn dinh dưỡng mà trẻ hấp thu từ sữa mẹ. Mẹ ăn uống ít chất xơ, ăn nhiều đồ cay nóng sẽ khiến trẻ hấp thu ít chất xơ nên dễ táo bón.
  • Thói quen nhịn đi vệ sinh: Tâm lý ngại đi vệ sinh ở trường học, sợ đau khi đi đại tiện hoặc không muốn làm gián đoạn các cuộc vui chơi khiến trẻ thường xuyên nhịn đi vệ sinh. Thói quen này khiến cho phân ứ đọng lâu trong ruột và trở nên khô cứng, gây khó khăn cho trẻ khi đi đại tiện.
  • Trẻ lười ăn rau, ăn ít chất xơ: Rau xanh, củ quả và các loại ngũ cốc là các thực phẩm giàu chất xơ, hỗ trợ làm mềm phân, kích thích động ruột. Vậy nên, trẻ lười ăn rau hoặc chế độ ăn của trẻ ít chất xơ có thể là nguyên nhân gây ra táo bón ở trẻ.
  • Trẻ ít vận động: Nhiều cha mẹ vì quá bận rộn nên không có thời gian để chơi với con và thường cho trẻ sử dụng điện thoại hoặc xem tivi như một hoạt động giải trí. Việc trẻ ngồi một chỗ quá lâu, ít vận động thể chất khiến cho đường ruột hoạt động kém hiệu quả, từ đó tăng nguy cơ táo bón.

Trẻ bị táo bón do ăn ít chất xơ

Chế độ ăn ít chất xơ là nguyên nhân hàng đầu gây ra táo bón ở trẻ

2.2. Nguyên nhân thực thể

Táo bón ở trẻ em do nguyên nhân thực thể ít phổ biến, chiếm khoảng 5% các trường hợp, nhưng thường liên quan đến các bệnh lý nghiêm trọng. Các nguyên nhân thực thể gây táo bón thường cần được chẩn đoán và điều trị chuyên sâu. Một số bệnh lý phổ biến gây táo bón ở trẻ em bao gồm:

  • Bệnh cường giáp: Xảy ra khi hormone tuyến giáp được sản xuất vượt mức cần thiết gây rối loạn quá trình chuyển hóa và phát triển của cơ thể, 
  • Phình đại tràng bẩm sinh: Đây là dị tật bẩm sinh trong đó một phần hoặc toàn bộ đại tràng giãn rộng bất thường, ảnh hưởng đến khả năng vận chuyển phân, khiến phân bị ứ đọng, khó đào thải ra ngoài.
  • Bệnh đái tháo đường: Đường huyết cao gây rối loạn quá trình chuyển hóa đường trong cơ thể, ảnh hưởng đến chức năng của nhiều cơ quan, trong đó có hệ tiêu hóa.
  • Các bệnh lý thần kinh: Một số bệnh lý thần kinh như bại não, chấn thương tủy sống... có thể ảnh hưởng đến thần kinh điều khiển hoạt động của ruột, gây táo bón.

3. Cách trị táo bón cho trẻ tại nhà

3.1. Đảm bảo trẻ bú đủ sữa

Cách trị táo bón cho trẻ sơ sinh bú sữa mẹ quan trọng nhất là đảm bảo trẻ bú đủ sữa để tránh thiếu nước. Sữa mẹ cung cấp các dưỡng chất và lượng nước cần thiết, giúp phân mềm, trẻ đi ngoài dễ dàng. Nếu trẻ biếng bú hoặc bú ít, mẹ có thể tăng cường cho con bú nhiều cử.

Cách trị táo bón cho trẻ tại nhà

Để cải thiện tình trạng táo bón ở trẻ sơ sinh, mẹ cần đảm bảo con bú đủ sữa

3.2. Điều chỉnh chế độ ăn uống của mẹ

Ngoài việc khuyến khích trẻ bú đủ sữa, mẹ cũng cần chú ý điều chỉnh chế độ ăn uống của mình để không ảnh hưởng đến chất lượng sữa mẹ. Mẹ ăn nhiều rau xanh, trái cây giúp trẻ hấp thu chất xơ tốt hơn, từ đó giảm tình trạng táo bón.

Cách trị táo bón cho trẻ bú sữa mẹ

Tăng cường rau xanh, trái cây vào bữa ăn hàng ngày của mẹ là cách trị táo bón cho trẻ bú sữa mẹ

3.3. Cách trị táo bón cho trẻ uống sữa công thức

Nếu trẻ đang uống sữa công thức và gặp phải táo bón, mẹ có thể cân nhắc đổi sang loại sữa công thức khác có thành phần dễ tiêu hóa hơn. Mẹ có thể tham khảo một số loại sữa công thức bổ sung lợi khuẩn (probiotics) hoặc chất xơ hòa tan (prebiotics) giúp hỗ trợ hệ tiêu hóa, cải thiện cân bằng vi sinh đường ruột và giúp phân mềm hơn.

Ngoài ra, phụ huynh cũng cần chú ý pha sữa đúng theo hướng dẫn của nhà sản xuất, không pha quá đặc hoặc quá loãng. Pha sữa đúng cách không chỉ giúp bé hấp thụ dinh dưỡng tốt hơn mà còn giảm nguy cơ gây táo bón. Đồng thời, hãy điều chỉnh lượng sữa sao cho phù hợp với nhu cầu của trẻ, không nên ép trẻ uống quá nhiều sữa trong một lần.

3.4. Massage bụng cho trẻ

Massage bụng kích thích nhu động ruột, giúp giảm cảm giác đầy bụng và hỗ trợ đào thải phân ra ngoài dễ dàng hơn. Ba mẹ nên áp dụng cách trị táo bón tại nhà này cho trẻ đều đặn hàng ngày, đặc biệt là sau bữa ăn để đạt hiệu quả tốt nhất.

  • Đầu tiên, mẹ chà xát hai bàn tay vào nhau để làm ấm tay trước khi thực hiện massage cho trẻ. Mẹ cũng có thể nhỏ thêm vài giọt tinh dầu bạc hà để tạo cảm giác thư giãn.
  • Đặt bé ở tư thế nằm ngửa thoải mái trên giường hoặc mặt phẳng mềm.
  • Dùng đầu ngón tay ấn nhẹ nhàng lên bụng trẻ, xoa theo vòng tròn quanh rốn theo chiều kim đồng hồ.
  • Duy trì lực ấn vừa phải và lặp lại động tác 10 - 15 lần. Khi massage, từ từ mở rộng vùng tiếp xúc, tiến dần đến khu vực gần hông phải của trẻ.

Cách trị táo bón cho trẻ sơ sinh

Massage bụng là cách trị táo bón cho trẻ sơ sinh hiệu quả, giảm khó chịu nhanh chóng

Bên cạnh massage bụng, mẹ cũng có thể áp dụng cách trị táo bón cho trẻ bằng động tác đạp xe. Để thực hiện, mẹ cũng đặt bé nằm ngửa sau đó nắm hai chân của trẻ di chuyển theo động tác đạp xe đạp để hỗ trợ tiêu hóa.

3.5. Bổ sung chất xơ

Với trẻ lớn hơn, ba mẹ nên khuyến khích con ăn nhiều rau xanh, trái cây và ngũ cốc nguyên hạt để bổ sung chất xơ. Chất xơ giúp tăng khối lượng phân, làm phân mềm và dễ dàng di chuyển qua ruột. Đây là cách trị táo bón tại nhà cho trẻ đem lại hiệu quả tích cực nếu duy trì lâu dài.

3.6. Bổ sung lợi khuẩn

Các lợi khuẩn (probiotics) giúp cải thiện hệ vi sinh đường ruột, hỗ trợ tiêu hóa và cải thiện táo bón. Mẹ có thể bổ sung lợi khuẩn cho con thông qua sữa chua hoặc tham khảo ý kiến của các chuyên gia sử dụng các thực phẩm chức năng bổ sung lợi khuẩn phù hợp.

Bổ sung lợi khuẩn trị táo bón cho trẻ

Bổ sung lợi khuẩn là cách trị táo bón tại nhà cho trẻ đơn giản, giúp cải thiện hiệu quả

3.7. Đảm bảo trẻ uống đủ nước

Thiếu nước là một trong những nguyên nhân táo bón ở trẻ. Để hạn chế tình trạng này, mẹ cần đảm bảo trẻ uống đủ nước mỗi ngày, đặc biệt khi trẻ đã bắt đầu ăn dặm. 

Ngoài nước lọc, mẹ có thể bổ sung các loại nước ép từ trái cây như nước ép táo, lê, hoặc mận. Các loại nước ép này có chứa sorbitol, một loại đường tự nhiên có tác dụng làm mềm phân và hỗ trợ trẻ đi tiêu dễ dàng hơn. Tuy nhiên, cần cho trẻ uống lượng vừa phải và không quá nhiều để tránh gây đầy bụng hoặc các vấn đề tiêu hóa khác.

3.8. Để trẻ vận động nhiều hơn

Tăng cường vận động sẽ giúp kích thích nhu động ruột, từ đó hỗ trợ phân di chuyển dễ dàng hơn. Vì vậy, tạo điều kiện cho con tham gia các hoạt động thể chất như các trò chơi ngoài trời, các môn thể thao như bơi lội, chạy bộ… là một cách giúp cải thiện táo bón ở trẻ. Đối với cách trị táo bón ở trẻ sơ sinh, ba mẹ hãy khuyến khích trẻ bò hoặc tập cho trẻ đi bộ nhiều hơn.

Cách trị táo bón cho trẻ em

Ba mẹ nên khuyến khích con vận động nhiều hơn để tăng cường trao đổi chất và tiêu hóa tốt hơn

3.9. Tập cho trẻ đi đại tiện đúng giờ

Ba mẹ nên tập cho con đi vệ sinh hàng ngày ở một khung giờ nhất định để hình thành cho con phản xạ có điều kiện, giúp chủ động và dễ dàng hơn trong việc đi đại tiện. Thời điểm tốt nhất để tập cho trẻ đi đại tiện là vào buổi sáng sau khi thức dậy hoặc sau bữa ăn và nên cho trẻ ngồi từ 10 - 15 phút/lần. Đồng thời, mẹ có thể đặt một chiếc ghế nhỏ dưới chân con để cơ co thắt hoạt động tốt hơn, giúp đẩy phân ra ngoài dễ hơn.

3.10. Cách chữa táo bón cho trẻ bằng thuốc

Cách trị táo bón cho trẻ bằng thuốc chỉ nên áp dụng khi các cách trị táo bón tự nhiên không mang lại hiệu quả. Bên cạnh đó, ba mẹ cần tham vấn từ chuyên gia hoặc bác sĩ để đảm bảo an toàn. Một số loại thuốc điều trị táo bón ở trẻ được sử dụng phổ biến như:

  • Thuốc trị táo bón tạo khối: Thành phần chính là các chất xơ tự nhiên có khả năng hút nước từ ruột và trương nở để tăng thể tích và làm mềm phân đồng thời kích thích nhu động ruột đẩy phân ra ngoài dễ hơn.
  • Thuốc làm mềm phân: Loại thuốc này thường có dạng ống bơm chứa dịch glycerol, khi bơm vào hậu môn sẽ đưa nước thấm vào phân để làm mềm khối phân. Nhờ đó trẻ đi ngoài thuận lợi hơn.
  • Thuốc nhuận tràng thẩm thấu: Đây là nhóm thuốc nhuận tràng giúp giảm hấp thu nước ở thành ruột, tăng lượng nước trong lòng ruột, từ đó giúp phân mềm hơn. Ví dụ: Lactulose, Sorbitol, Macrogol.
  • Thuốc kích thích nhu động ruột: Công dụng của nhóm thuốc này là kích thích co bóp cơ đại tràng, tăng nhu động ruột để đẩy phân ra ngoài nhanh hơn.

4. Khi nào nên đưa trẻ bị táo bón đến bệnh viện

Táo bón ở trẻ có thể được cải thiện bằng các cách trị táo bón tại nhà cho trẻ được giới thiệu ở trên hoặc sử dụng một số loại thuốc trị táo bón với liều lượng phù hợp theo hướng dẫn của bác sĩ. Tuy nhiên, nếu tình trạng táo bón kéo dài hoặc xuất hiện những dấu hiệu bất thường như dưới đây, ba mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện để được thăm khám và điều trị kịp thời.

  • Tình trạng táo bón ở trẻ kéo dài hơn 1 tuần và không có dấu hiệu cải thiện dù đã áp dụng nhiều cách trị táo bón cho trẻ.
  • Trẻ có biểu hiện chán ăn, dễ quấy khóc.
  • Trẻ có triệu chứng sốt, nôn mửa, đau bụng dữ dội.
  • Trẻ đi ngoài phân lẫn máu.

Qua bài viết này, chúng ta đã cùng tìm hiểu 10 cách trị táo bón cho trẻ hiệu quả tại nhà. Để giúp bé giảm táo bón, cha mẹ hãy nhớ: tăng cường chất xơ trong bữa ăn, khuyến khích bé uống đủ nước, tập thể dục đều đặn và tạo thói quen đi vệ sinh đúng giờ. Nếu tình trạng táo bón ở trẻ kéo dài hoặc trở nên nghiêm trọng, hãy đưa bé đến gặp bác sĩ để được tư vấn và điều trị kịp thời.

Tại TP.HCM, Khoa Nhi – Bệnh viện Đa khoa Tâm Trí Sài Gòn đã trở thành địa chỉ được nhiều bậc phụ huynh tin tưởng trong việc chăm sóc sức khỏe cho con yêu. Không chỉ bệnh táo bón mà còn nhiều bệnh lý thường gặp ở trẻ em đã được điều trị hiệu quả nhờ đội ngũ y bác sĩ giỏi chuyên môn, giàu chuyên môn cùng sự hỗ trợ của hệ thống thiết bị y tế hiện đại.

Khoa Nhi Tâm Trí Sài Gòn

Chương trình Câu lạc bộ sức khỏe - Khoa Nhi tại BVĐK Tâm Trí Sài Gòn thu hút nhiều phụ huynh tham gia

Liên hệ cho chúng tôi qua HOTLINE 0974.508.479 hoặc nhắn tin qua Fanpage Bệnh Viện Đa Khoa Tâm Trí Sài Gòn để đặt lịch khám hoặc hỗ trợ tư vấn nhanh nhất!


marketing
TAG:
dathongbao