Monday, 31/10/2016, 08:09 GMT+7
Tuy nhiên, nhiều trường hợp lại bị BS từ chối phẫu thuật và chỉ đề nghị phương pháp điều trị nội khoa tích cực. Trong khi đó cũng không ít bệnh nhân được bác sĩ tư vấn nên phẫu thuật thì lại lo lắng sợ hãi không dám phẫu thuật vì nghĩ rằng có mổ cũng không hết bệnh để rồi cứ thế ôm bệnh chịu đựng khổ sở.
Viêm mũi xoang là gì?
Ở người lớn , có bốn cặp xoang: hai xoang hàm ngay dưới hai gò má, hai xoang trán trên hai cung mày, hai xoang sàng ngay giữa hai cung mày chạy thẳng ra phía sau cho đến trung tâm hộp sọ là hai xoang bướm. Mũi xoang có nhiều chức năng, trong đó hai chức năng quan trọng là lọc và làm ấm không khí trước khi đi vào phổi. Viêm mũi xoang là viêm lớp niêm mạc lót bên trong lòng xoang và hố mũi.
Dựa vào diễn tiến thời gian, viêm mũi xoang được chia thành hai loại là viêm mũi xoang cấp tính có thời gian diễn tiến dưới 3 tháng, và viêm mũi xoang mạn tính có thời gian diễn tiến trên 3 tháng. Trong viêm mũi xoang mạn tính còn có viêm mũi xoang tái phát, tức viêm mũi xoang kéo dài không quá một tháng rồi hết, nhưng lại tái phát sau đó.
Đợt cấp của viêm mũi xoang mạn tính này diễn ra trên nền các triệu chứng cũ của viêm mũi xoang chưa dứt hẳn, và nay lại xuất hiện thêm triệu chứng mới nặng hơn do nhiễm vi trùng.
Viêm mũi xoang có 4 triệu chứng chính: chảy mũi, nghẹt mũi, đau các vùng xoang và giảm hoặc mất mùi.
Khi khám nội soi mũi, có thể sẽ thấy niêm mạc mũi phù nề, hoặc mủ chảy ra từ khe giữa, khe trên hoặc có polyp mũi. Trên hình ảnh phim cắt lớp mũi xoang, thường được gọi là CT xoang, sẽ có hình ảnh niêm mạc phù nề, hoặc tắc lổ thông xoang hoặc có dịch trong lòng một hoặc nhiều xoang.
Viêm mũi xoang cấp thường do vi rút và vi khuẩn.
Khi bị nhiễm siêu vi (vi rút), triệu chứng thông thường là ho sổ mũi, nghẹt mũi, nhức đầu, đau cơ và sốt. Lúc này niêm mạc mũi xoang sẽ bị viêm phù nề, tiết dịch làm tắc các lỗ thông mũi xoang. Đây là tình trạng viêm mũi xoang cấp do vi rút.
Trong trường hợp này, chỉ cần điều trị đơn giản như nhỏ thuốc thông mũi xoang, rửa mũi, uống thuốc long đàm, giảm đau, kháng viêm, sau đó triệu chứng sẽ thuyên giảm trong vòng 7-14 ngày.
Tuy nhiên, vẫn có một tỷ lệ khoảng 10 -15% trường hợp bệnh kéo dài hơn, đồng thời các triệu chứng của viêm xoang trở nên nặng hơn. Đó là do bội nhiễm vi khuẩn, lúc này bệnh nhân cần điều trị tích cực bằng kháng sinh, thời gian có thể kéo dài 2 đến 4 tuần, tùy theo từng trường hợp.
Viêm mũi xoang mạn thường do dị ứng, bất thường cấu trúc, sâu răng và vi nấm.
Bệnh nhân có các triệu chứng của viêm xoang kéo dài trên ba tháng. Thỉnh thoảng bệnh nhân cảm thấy bệnh nặng hơn và phải uống một đợt thuốc kháng sinh, kháng viêm, kháng dị ứng thì khỏi nhưng sau đó lại nhanh chóng tái phát trở lại.
Có rất nhiều người, ngoài các triệu chứng chính như nghẹt mũi, chảy mũi, đau vùng xoang và mất mùi, còn có các triệu chứng phụ khác như ho, khạc đàm màu xanh, nhức đầu, hơi thở hôi, mệt mỏi, kém tập trung hoặc trong những đợt cấp có thêm triệu chứng sốt.
Nếu bị viêm mũi xoang do dị ứng, thông thường bệnh nhân sẽ có thêm hai triệu chứng là ngứa mũi và hắc xì, và cứ kéo dài quanh năm, hoặc theo mùa, hoặc khi tiếp xúc với dị nguyên.
Nếu bị viêm xoang do sâu răng thì thường xoang hàm một bên bị ảnh hưởng, xoang hàm chứa mủ do nhiễm trùng từ răng sâu bên dưới, gây đau nhức mặt phía bên răng sâu hoặc nhức đầu và khạc đàm xanh hoặc vàng.
Nếu viêm mũi xoang do nấm, thì thường là viêm xoang hàm và xoang bướm. Trường hợp này, bệnh nhân có thể không có triệu chứng gì, hoặc chỉ bị nhức đầu, hoặc chỉ bị khạc đàm kéo dài.
Trong quá trình phát triển và hình thành mũi xoang, nhiều bệnh nhân có cấu trúc mũi xoang phát triển bất thường, ảnh hưởng đến sự dẫn lưu bình thường của mũi xoang, từ đó dễ dẫn đến viêm mũi xoang. Các dạng cấu trúc bất thường hay gặp: vẹo vách ngăn, phì đại cuốn mũi, hoặc có khối u, nang bất thường trong hố mũi hoặc có polyp mũi do viêm nhiễm lâu ngày.
Biến chứng của viêm xoang
Ngày này, nhờ có kháng sinh, biến chứng của viêm xoang rất ít gặp. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý trong những trường hợp viêm mũi xoang nặng do vi khuẩn nếu không điều trị, hoặc điều trị không đúng có thể đưa đến biến chứng viêm ổ mắt, mù mắt, viêm màng não, viêm não và áp xe não, có thể đe dọa đến tính mạng.
Khi nào cần phẫu thuật?
Đa số các trường hợp viêm mũi xoang, chỉ cần điều trị nội khoa là đủ. Các biện pháp điều trị nội khoa bao gồm: tập thể dục, ăn uống, nghỉ ngơi, làm việc điều độ, giữ ấm, rửa mũi, uống thuốc và xịt thuốc chống dị ứng, đi khám bệnh khi có những đợt viêm cấp do vi khuẩn để được điều trị bằng kháng sinh phù hợp.
Phẫu thuật điều trị viêm mũi xoang được thực hiện trong các tình huống viêm mũi xoang mạn tính không đáp ứng với điều trị nội khoa, hoặc viêm xoang mũi có biến chứng như viêm ổ mắt, chèn dây thần kinh thị giác, hoặc viêm mũi xoang do bất thường cấu trúc, sâu răng, và đặc biệt là viêm mũi xoang do nấm.
Trước đây, khi chưa có máy nội soi, phẫu thuật điều trị viêm mũi xoang là phẫu thuật nạo xoang gây rất nhiều biến chứng và không giải quyết triệt để bệnh.
Ngày nay, phẫu thuật điều trị viêm mũi xoang được thực hiện dưới nội soi, ít chảy máu, ít đau, cho phép phẫu thuật chính xác mục tiêu cần phẫu thuật, các lỗ thông xoang được mở rộng và sự dẫn lưu sinh lý của mũi xoang được thiết lập lại, từ đó triệu chứng của bệnh được cải thiện.
Theo nhiều nghiên cứu, đối với các trường hợp viêm mũi xoang mạn tính có chỉ định phẫu thuật, sau khi điều trị bằng phẫu thuật nội soi mũi xoang, khoảng 80-90% bệnh nhân đều hài lòng vì chất lượng cuộc sống cải thiện rõ rệt.
BS NGUYỄN TRƯƠNG KHƯƠNG - BV FV TP.HCM