Giới thiệu về chúng tôi
banner

Khàn tiếng lâu ngày cảnh báo nhiều bệnh nguy hiểm

Thursday, 31/03/2016, 14:47 GMT+7

 

Hơn nửa năm nay, ông Ka Líu bị khàn tiếng, gần đây giọng nói gần như mất hẳn âm. Bác sĩ xác định ông bị polyp thanh quản cần phẫu thuật sớm.

khan-tieng

Bệnh nhân Ka Líu sinh năm 1964, người dân tộc Cơ Ho ở Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng. 6 tháng trước giọng nói bắt đầu khàn, ông nghĩ chỉ là viêm họng thông thường vài ngày sẽ hết. Khi triệu chứng kéo dài và nghiêm trọng hơn, ông mới đi khám và điều trị tại địa phương gần 2 tháng không hiệu quả, giọng nói gần như mất hẳn âm. Gia đình đưa ông đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Trí Sài Gòn điều trị. 
Sau khi thăm khám và làm các xét nghiệm cần thiết, các bác sĩ kết luận bệnh nhân bị polyp thanh quản, cần phẫu thuật làm thoáng đường thở, tránh để phát triển gây nghẹt thở. Bác sĩ chuyên khoa 1 Nguyễn Quốc Trung, Khoa Tai - Mũi - Họng cho biết, êkip hội chẩn đã quyết định áp dụng phương pháp phẫu thuật nội soi treo cắt polyp dưới gây mê nội khí quản cho bệnh nhân. Mẫu sinh thiết tế bào polyp cũng được gửi đi kiểm tra để tầm soát ung thư.
Sau mổ, sức khỏe bệnh nhân Ka Líu đã dần phục hồi, giọng nói bớt khàn hơn nhiều. Ông được khuyến cáo nên ăn những thực phẩm nguội, không ăn uống nóng, tập nói nhiều âm khác nhau, tuyệt đối không la lớn để giọng nói được hồi phục nhanh.
Bác sĩ Trung giải thích: Khàn tiếng là tình trạng tổn thương ở thanh quản, khi phát âm, hai dây thanh không khép kín được gây nên hiện tượng khàn. Nguyên nhân thường là bị xung huyết, viêm thanh quản, hạt xơ, polyp, lao hoặc ung thư thanh quản. Trong đó, bệnh lý thường gặp nhất gây khàn tiếng là viêm thanh quản, xuất hiện ở những người thường xuyên phải nói nhiều như giáo viên, nhân viên bán hàng, ca sĩ, người hay hút thuốc lá, uống rượu bia, làm việc trong môi trường ô nhiễm, có bệnh lý về viêm họng amidan, viêm mũi xoang mạn, viêm dạ dày trào ngược. Bên cạnh đó khàn tiếng có thể do tổn thương dây thần kinh quật ngược trong phẫu thuật bướu cổ, chấn thương thanh quản hoặc tổn thương não…
Bệnh không ảnh hưởng đến giao tiếp và sức khỏe của người bệnh. Tình trạng viêm thanh quản lâu ngày có thể thành polyp dây thanh, hạt xơ hoặc ung thư thanh quản.
Để phòng bệnh này, bác sĩ Trung khuyên:
- Tránh nói nhiều, to tiếng.
- Tránh để viêm nhiễm vùng hầu họng thanh quản bằng cách xúc miệng khò nước muối hàng ngày, giữ ấm vùng cổ, hạn chế uống rượu bia và hút thuốc.
- Trong những ngày đầu khàn tiếng nên uống nước giá luộc, ăn uống các món thanh nhiệt giải độc, không ăn thực phẩm nóng, xào, nướng, chua cay.
- Khi khàn tiếng kéo dài 2 đến 3 tuần, nên đi khám bác sĩ chuyên khoa Tai - Mũi - Họng để có biện pháp xử lý kịp thời. Tùy theo từng trường hợp mà bác sĩ sẽ có chỉ định điều trị nội khoa hay phẫu thuật.

 


Nguồn Vnexpress.vn
TAG:
dathongbao