Wednesday, 30/03/2016, 09:54 GMT+7
Để điều trị thoái hóa khớp, bác sĩ trích máu của bệnh nhân rồi ly tâm tách phần PRP lấy tiểu cầu. Các tiểu cầu này sau đó được tiêm ngược trở lại cơ thể để phóng thích các protein kích thích chữa lành vết thương.
• 23 tuổi bị thoái hóa cột sống cổ / Dấu hiệu thoái hóa khớp và cách điều trị
Bệnh nhân Nguyễn Thị Bích Ngà, 50 tuổi, ở quận Tân Bình, TP HCM, bị thoái hóa khớp nhiều năm nay. Bà bị đau nhiều ở cùi chỏ và bả vai, tay không thể cử động ra sau được. Người phụ nữ từng tìm đến nhiều thầy thuốc và uống đủ loại thảo dược nhưng không đỡ mà trở nặng hơn. Gần đây khi những cơ đau xuất hiện ngày càng dày, bà mới nhập viện điều trị.
Dựa vào kết quả chụp Xquang, bác sĩ Lê Văn Tư, Chuyên khoa Cơ Xương Khớp, Bệnh viện đa khoa Tâm Trí Sài Gòn, chẩn đoán bà Ngà bị viêm mỏm trên lồi cầu ngoài. Bệnh có thể điều trị hiệu quả bằng liệu pháp tế bào PRP (Platelet Rich Plasma - huyết tương giàu tiểu cầu).
Theo đó, bác sĩ trích khoảng 20-50 ml máu của bệnh nhân, lấy khoảng 2-5 ml tiến hành ly tâm tách phần PRP để lọc tiểu cầu. Tiểu cầu được tiêm ngược trở lại cơ thể sẽ có tác dụng phóng thích các protein (còn gọi là yếu tố tăng trưởng), từ đó kích thích chữa lành mô và vết thương. Đặc biệt khi tăng nồng độ cơ bản của tiểu cầu tiêm trực tiếp vào vùng tổn thương có thể cung cấp một hỗn hợp các yếu tố tăng trưởng mạnh mẽ giúp tăng cường phục hồi mô bị tổn thương.
Sau hơn một tuần điều trị, tay của bà Ngà dần phục hồi, cử động tốt hơn ở các tư thế, không còn đau nhức. Bác sĩ Tư cho biết bệnh nhân cần tuân thủ phác đồ điều trị 2 đợt, mỗi đợt cách nhau một tháng nhằm duy trì hiệu quả lâu dài.
Bác sĩ Tư giải thích PRP là một liệu pháp điều trị mới nổi trong lĩnh vực y tế, được gọi là "Sinh chỉnh hình". Dựa trên triết lý về sự kết hợp giữa tiến bộ công nghệ y tế với khả năng lành tự nhiên của cơ thể, sinh chỉnh hình áp dụng cho tất cả đối tượng bệnh nhân có chấn thương hoặc được chẩn đoán bệnh lý. Chẳng hạn như chấn thương thể thao, thoái hóa đĩa đệm, viêm mõm trên lồi cầu ngoài hoặc cầu trong, viêm lồi củ chày, viêm cân gan chân, viêm gân gót, rách chóp xoay, rách sụn chêm, thoái hóa khớp, viêm xương khớp, đau thắt lưng mạn tính, đau cổ mạn tính, chậm liền xương hoặc không liền xương...
Hơn 2.540 bệnh nhân thoái hóa khớp đã được bác sĩ Tư chữa thành công bằng liệu pháp tế bào PRP từ tháng 7/2009 đến nay. Để đánh giá hiệu quả của cách điều trị này, bác sĩ đã theo dõi sát tất cả bệnh nhân trong vòng từ 3 tháng đến 60 tháng. Kết quả theo dõi dựa vào phiếu thăm dò mức độ đau của bệnh nhân với thang đo từ 0-10, đồng thời quan sát qua hình ảnh siêu âm.
Các bệnh nhân được chia thành 7 nhóm tuổi. Trong đó nhỏ nhất là 18 tuổi, có một ca, cao nhất là 77 tuổi, có một ca. Nhóm tuổi từ 41 đến 50 nhiều nhất với 1.041 bệnh nhân, chiếm tỷ lệ 40,97%. Điều này cho thấy phần lớn các bệnh nhân 50 tuổi mắc các vấn đề về bệnh lý xương khớp. Số lượng nam giới là 763, nữ là 1778, cho thấy nữ nhiều gấp đôi.
Có 7 loại tổn thương được báo cáo trong nghiên cứu này. Tổn thương ít phổ biến nhất là viêm mõm trên lồi cầu trong, có 14 bệnh nhân, thường gặp nhất là thoái hóa gối, với 1.462 bệnh nhân, chiếm tỷ lệ 57,55%. Thực tế cho thấy vấn đề thường gặp nhất của xương khớp ở người cao tuổi là thoái hóa khớp gối.
Kết quả thăm dò mức độ hồi phục của bệnh nhân | ||
Kết quả | Số bệnh nhân | Tỷ lệ % |
Rất tốt | 586 | 23,06 % |
Tốt | 1302 | 51,24 % |
Khá | 649 | 25,54 % |
Xấu | 4 | 0,16 % |
Tổng | 2.541 | 100% |
Kết quả thăm dò mức độ hồi phục của bệnh nhân chia làm 4 nhóm. Trong đó nhóm hồi phục rất tốt chiếm tỷ lệ cao nhất, với 1.302 bệnh nhân (51,24%). Riêng nhóm kết quả xấu có 4 bệnh nhân, tỷ lệ 0,16%. Theo tác giả, nếu tính cộng dồn kết quả rất tốt và tốt lại cho tỷ lệ 74,3% là một kết quả đáng khích lệ. Riêng 4 trường hợp không cải thiện là do bệnh ở giai đoạn nặng nên phương pháp trên không mang lại nhiều tác dụng. Đề tài nghiên cứu này đã được báo cáo tại hội nghị khoa học lần 1 tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Trí Đà Nẵng ngày 24/10.