Wednesday, 04/04/2018, 16:33 GMT+7
Bạn mong muốn có một cuộc sống lành mạnh? Bạn luôn muốn mỗi ngày thức dậy là một niềm vui, hăng hái trong công việc, vui vẻ với bạn bè và hạnh phúc với chồng con.
Các bà và các cô, hãy đối mặt với sức khỏe: Thông thường các bác sĩ khám rất nhanh. Và thời gian khám ngày càng rút ngắn hơn. Nếu bác sĩ của bạn có nhiều thời gian thì sao? Cô ấy có thể cho bạn biết những điều mà bạn cần biết để giữ được sức khoẻ đến trọn đời. Đó là:
1. Giảm căng thẳng.
Vấn đề lớn nhất gặp hầu hết ở các bệnh nhân là có quá nhiều vấn đề và muốn ôm đồm tất cả. Stress có thể gây những hậu quả nghiêm trọng đến sức khoẻ, từ vô sinh đến nguy cơ cao của trầm cảm, rối loạn lo âu, và bệnh tim. Hãy tìm phương pháp giảm căng thẳng phù hợp với bạn và kiên trì thực hiện nó.
2. Ngừng ăn kiêng.
Ăn uống lành mạnh không có nghĩa là bạn phải từ bỏ ly rượu yêu thích hay một miếng bánh sô cô la ngay từ bây giờ và mãi mãi về sau. Điều quan trọng là ăn uống vừa phải. Nên có một chế độ ăn bao gồm protein từ thịt nạc, các chất béo lành mạnh ( bơ, pho mát, sô cô la đen, trứng, mỡ cá, hạt chia, các loại hạt, dầu oliu, dầu dừa, yaourt), các carbohydrate và chất xơ thông minh bao gồm các loại rau quả, trái cây, các loại đậu, khoai tây và ngũ cốc nguyên cám.
3. Không nên tiêu thụ quá nhiều canxi.
"Tiêu thụ quá nhiều canxi có thể làm tăng nguy cơ sỏi thận và thậm chí có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim".
Nếu bạn dưới 50 tuổi, chỉ cần nạp vào 1.000 milligram canxi mỗi ngày,và trên 50 tuổi cần 1.200 mg canxi mỗi ngày thông qua chế độ ăn uống -ba loại thực phẩm giàu canxi như sữa, cá hồi và hạnh nhân.
4. Tập thể dục cho tim mạch.
Phụ nữ cần kết hợp các bài tập thể dục cho tim mạch và sức đề kháng hoặc các bài tập gánh trọng lượng cơ thể ít nhất ba đến năm lần trong tuần để giúp ngăn ngừa loãng xương, bệnh tim, ung thư và tiểu đường và nhất là sức khỏe tâm thần của phụ nữ (Do đặc điểm sinh học khác nhau giữa nam và nữ, nghiên cứu đã cho thấy giới nữ dễ mắc các bệnh về tâm thần như lo âu, trầm cảm, sa sút trí tuệ v.v hơn nam giới).
5. Hãy suy nghĩ về khả năng sinh sản.
Có rất nhiều phụ nữ không thể mang thai vào cuối những năm 30 và thậm chí là vào những năm 40 tuổi, trong khi khả năng sinh sản của phụ nữ có thể bắt đầu giảm từ 32 tuổi. Vì vậy, nếu bạn muốn có con, hãy trao đổi với bác sĩ về các lựa chọn, kiểu như thụ tinh nhân tạo.
6. Sinh con có kế hoạch.
Sinh con có kế hoạch không chỉ giúp cho bạn ổn định về tâm lý và kinh tế, nghiên cứu cho thấy còn có thể làm giảm nguy cơ ung thư tử cung và buồng trứng cũng như điều hòa chu kỳ kinh nguyệt của bạn.
7. Hãy khám bác sĩ mỗi năm.
Hãy đảm bảo rằng bạn được xét nghiệm Pap để kiểm tra ung thư cổ tử cung mỗi 3 năm một lần nếu bạn từ 21 tuổi trở lên. Nếu bạn 30-65 tuổi, bạn có thể kiểm tra Pap và HPV mỗi 5 năm. Từ 65 tuổi trở lên, bạn có thể ngừng kiểm tra nếu bác sĩ bảo bạn có nguy cơ thấp. Nếu bạn có hoạt động tình dục và có nguy cơ mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục cao, hãy xét nghiệm chlamydia, bệnh lậu, và giang mai hàng năm. Xét nghiệm HIV ít nhất một lần, thường xuyên hơn nếu bạn có nguy cơ. Không nên bỏ qua kiểm tra hàng năm. Bác sĩ của bạn cần phải đánh giá mỗi năm một lần nhiều vấn đề khác như nhiễm trùng tiềm ẩn, nhu cầu ngừa thai và các than phiền về tình dục.
8. Quan hệ tình dục tốt.
Tình dục làm giảm căng thẳng và có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh mãn tính - nhưng chỉ khi bạn ham thích. Nếu có vấn đề trong quan hệ tình dục, chẳng hạn như khô hoặc đau, hãy nói chuyện với bác sĩ để tìm ra giải pháp.
9. Ngủ nhiều hơn.
"Nhu cầu ngủ của mỗi người khác nhau, nếu bạn luôn bị mệt mõi sau thức dậy, hoặc khó tập trung trong công việc, có thể bạn đã ngủ chưa đủ giấc”.
Các nghiên cứu gần đây cho thấy thiếu ngủ có thể làm cho bạn dễ có nguy cơ mắc bệnh tim và các vấn đề về tâm lý.
10. Tầm soát ung thư và các bệnh truyền nhiễm, mãn tính.
Các bác sĩ có thể kiểm tra thêm nếu bạn có tiền sử gia đình về ung thư vú, ung thư buồng trứng, và bệnh truyền nhiễm, mãn tính khác để đánh giá nguy cơ-và sau đó xem xét các biện pháp phòng ngừa cho bạn.
Bs CKII. Phan Mỹ Hạnh (1/3/2018)