Bác sĩ thường trực 0901 696 115
Hotline CSKH 0974 508 479
Giới thiệu về chúng tôi

NGÀY GIÃN PHẾ QUẢN THẾ GIỚI (01/07)

Thứ sáu, 01/07/2022, 10:27 GMT+7

Giãn phế quản ảnh hưởng hàng trăm ngàn người trên thế giới. Mắc dầu bệnh được xem là hiếm nhưng số người bị bệnh giãn phế quản ngày càng tăng. Nhân ngày giãn phế quản thế giới, bằng cách tăng nhận thức bệnh trong cộng đồng, chẩn đoán sớm và điều trị đúng, chúng ta thực hiện các bước tiến tới khống chế bệnh và đem lại chất lượng cuộc sống tốt nhất cho bệnh nhân.

Giãn phế quản là gì ?

Giãn phế quản là bệnh lý ở phổi gây nên các triệu chứng ho, khạc đờm, và nhiễm trùng hô hấp tái đi tái lại. Các triệu chứng có được là do giãn bất thường đường dẫn khí ở phổi (phế quản). Trong vài trường hợp, có thể có nhiều đường dẫn khí bị ảnh hưởng. Trong những trường hợp rất nặng, giãn đường dẫn khí xảy ra ở khắp hai phổi.

Sự giãn phế quản này làm ứ đọng các chất tiết (đàm, chất nhầy) ở đường dẫn khí. Điều này tạo ra một môi trường lý tưởng cho nhiều loại vi trùng sinh sôi phát triển và đưa đến nhiễm trùng và viêm đường dẫn khí. Nhiễm trùng và viêm làm tổn thương đường dẫn khí hơn nữa gây nên giãn phế quản trầm trọng hơn. Đây là vòng xoắn bệnh lý của giãn phế quản.

1_3

Nguyên nhân của giãn phế quản

Có nhiều nguyên nhân gây nên giãn phế quản, như: bệnh lý di truyền (xơ nang, rối loạn lông chuyển nguyên phát), hệ miễn dịch suy yếu (giảm khả năng chống chọi với nhiễm trùng), nhiễm trùng phổi trước đó, và bất thường về nuốt gây nên hít thức ăn và dịch vào trong phổi. Tuy nhiên có 40% các trường hợp không rỏ nguyên nhân. Những trường hợp này được gọi là giãn phế quản vô căn.

Bác sĩ sẽ thực hiện các xét nghiệm để xem bạn có nguyên nhân có thể điều trị được của giãn phế quản hay không. Không may thay, giãn phế quản thì không hồi phục, nhưng bệnh có thể điều trị để giảm triệu chứng và cố gắng hạn chế sự tiến triển của bệnh. Điều trị có thể làm giảm sự xấu đi của bệnh và cắt đứt vòng xoắn bệnh lý của giãn phế quản. Một số trường hợp nếu giãn phế quản chỉ xảy ra ở một vùng khu trú của phổi, phẩu thuật cắt bỏ vùng này có thể giải quyết tình trạng bệnh.

Các triệu chứng của giãn phế quản là gì?

Triệu chứng thường gặp nhất của dãn phế quản là ho, thường khạc ra đờm. Ho đôi khi nặng lên và bệnh nhân cũng có thể có sốt, ớn lạnh, đổ mồ hôi đêm, mệt mỏi, và thay đổi màu sắc và số lượng đờm. Khi điều này xảy ra, bệnh cảnh được gọi là đợt cấp của giãn phế quản. Các triệu chứng khác có thể bao gồm khó thở, sụt cân, ho ra máu, đau ngực, mệt mỏi. Các triệu chứng này thường phát triển sau nhiều năm và nặng dần theo thời gian. Nhiều người bị giãn phế quản cho biết trong quá khứ có từng bị mắc viêm phế quản hay viêm phổi tái đi tái lại trong nhiều năm, ngay cả có thể xảy ra trong thời kỳ niên thiếu. Một vài bệnh nhân bị giãn phế quản có thể cũng có các bệnh khác đi kèm như bệnh lý xoang, trào ngược dạ dày, hay thoát vị làm cho bệnh nhân thỉnh thoảng ho nhiều hơn.

Giãn phế quản được chẩn đoán như thế nào?

Giãn phế quản được chẩn đoán bằng chụp CT scan ngực. CT scan sẽ cho thấy vị trí và độ nặng của giãn phế quản và có thể cho biết nguyên nhân. Bác sĩ cũng có thể cho bệnh nhân làm xét nghiệm đo chức năng hô hấp và cấy đờm để tìm vi trùng gây bệnh. Kết quả cấy đờm này sẽ giúp bác sĩ dùng kháng sinh thích hợp trong đợt cấp của bệnh. Trong một vài trường hợp, bác sĩ sẽ cho bệnh nhân soi phế quản để kiểm tra tổn thương giãn phế quản.

Tiến triển của bệnh giãn phế quản

Giãn phế quản là tình trạng bệnh lý tiến triển theo thời gian và sẽ nặng lên với các đợt nhiễm trùng tái đi tái lại. Do đó mục tiêu của điều trị là ngăn ngừa nhiễm trùng và các đợt kịch phát. Điều quan trọng là duy trì chức năng phổi càng tốt càng có thể được. Bạn nên đến khám bác sĩ ngay khi có các triệu chứng của đợt kịch phát. Tuân thủ điều trị đúng theo hướng dẫn bác sĩ  đợt kịch phát bệnh sẽ được khống chế và không tiến triển xấu. Nhiều bệnh nhân có thể sống khỏe nhiều năm với giãn phế quản. Nếu phổi của bạn bị tổn thương càng nhiều thì chức năng phổi càng xấu và có nguy cơ tử vong.

Các điều cần làm ngay

- Đến khám bác sĩ ngay nếu bạn có những triệu chứng như ho, sốt, các triệu chứng mới khác.

- Tuân thủ dùng thuốc và kế hoạch điều trị của bác sĩ.

- Tránh những chất làm bệnh phổi nặng lên như khói thuốc lá, ô nhiễm môi trường.

- Tiêm phòng vaccine cúm hàng năm, rửa tay thường xuyên, và tránh tiếp xúc với người bị bệnh khi có thể.

 

 

 


TAG:
dathongbao