Thứ ba, 19/09/2023, 14:03 GMT+7
Thời điểm tựu trường cũng là lúc trẻ dễ mắc các bệnh lý nhiễm trùng đường hô hấp như cảm cúm, viêm mũi họng, viêm tai, viêm phế quản, viêm phổi,… Đây cũng là nhóm bênh lý phổ biến nhất ở trẻ em. Nếu được chăm sóc tốt, đa số trẻ sẽ tự khỏi trong vòng 10 – 14 ngày. Tuy nhiên, khoảng 20-25% trẻ nhiễm khuẩn đường hô hấp sẽ diễn tiến thành viêm phồi, cần điều trị kháng sinh thích hợp để tránh biến chứng và tử vong.
- Sốt: cho trẻ mặt đồ thoáng mát, bú nhiều hơn, uống đủ nước vì giai đoạn này dễ mất nước qua da và hơi thở. Dùng thuốc hạ sốt khi trẻ sốt kèm mệt mỏi, khó chịu, dùng paracetamol 10 – 15mg/kg/ lần mỗi 4-6 giờ đường uống hoặc đặt hậu môn. Không lau mát thường quy ở trẻ sốt.
- Ho: Đây là một phản xạ có lợi cho cơ thể, giúp tống xuất chất tiết, dị vật ra khỏi đường thở của trẻ nên không cần can thiệp. Tuy nhiên, nếu trẻ ho quá nhiều, ảnh hưởng đến ăn uống, giấc ngủ, làm trẻ khó chịu trong sinh hoạt hằng ngày thì có thể dùng các bài thuốc nam an toàn như tắc chưng đường phèn, tần dầy lá, mật ong (lưu ý không dùng mật ong cho trẻ dưới 12 tháng) …không tự ý mua các thuốc giảm ho, long đàm vì có thể chứa các thành phần chống chỉ định ở trẻ nhỏ.
- Chảy mũi: là một triệu chứng thường gặp gây khó chịu cho trẻ, có thể làm cho trẻ không thể có một giấc ngủ ngon nếu nước mũi tiết nhiều, nguy hiểm hơn có thể dẫn tới viêm tai giữa, viêm xoang nếu vệ sinh không đúng cách hoặc để chảy mũi dai dẳng. Cha mẹ cần vệ sinh làm thông thoáng mũi bằng nước mũi sinh lý đúng cách. Dùng nước muối 9‰ nhỏ vào từng bên mũi để làm loãng dịch mũi, sau đó loại bỏ dịch mũi bằng dụng cụ hút mũi, dùng tăm bông sạch, khô ngoáy mũi lại. không tự ý mua các thuốc co mạch mũi dùng nếu không có chỉ định của bác sĩ.
- Tìm dấu hiệu thở nhanh (là triệu chứng sớm nhất của viêm phổi) bằng cách đếm nhịp thở trong 1 phút, khi trẻ nằm yên, không sốt:
+ Trẻ dưới 2 tháng: thở nhanh khi nhịp thở từ 60 lần / phút trở lên
+ Trẻ từ 2 tháng đến dưới 12 tháng: từ 50 lần / phút trở lên
+ Trẻ từ 12 tháng đến dưới 5 tuổi: từ 40 lần / phút trở lên
+ Trẻ từ 5 tuổi trở lên: từ 40 lần / phút trở lên
Tìm dấu hiệu khó thở: âm thở bất thường như thở rít (khi hít vào), khò khè (khi thở ra), rút lõm ngực (vén áo quan sát phần dưới lồng ngực lõm khi hít vào thay vì nở ra như bình thường), thở rên, phập phồng cánh mũi,.. Đây là những triệu chứng của viêm phổi nặng cần phải nhanh chóng cho trẻ nhập viện điều trị kịp thời.
+ Sốt cao trên 39 độ, không đáp ứng với thuốc hạ sốt hoặc sốt nhẹ nhưng kéo dài trên 3 ngày, sau cơn sốt trẻ đừ, không chơi
+ Dấu hiệu thở nhanh, khó thở, tím tái
+Các triệu chứng hô hấp dai dẳng hoặc nặng lên gây ảnh hưởng đến ăn uống, giấc ngủ hoặc sinh hoạt hằng ngày của trẻ
+ Có một trong các dấu hiệu nguy hiểm toàn thân: bỏ bú, ăn uống kém; nôn ói tất cả mọi thứ, li bì khó đánh thức; co giật
Không tự ý mua thuốc bên ngoài cho trẻ uống nếu không có sự thăm khám và kê đơn của bác sĩ
Không lạm dụng kháng sinh vì không hiệu quả, tốn kém, hơn nữa có thể tạo điều kiện cho vi trùng kháng thuốc.
Cung cấp dinh dưỡng đầy đủ, cân đối cho trẻ. Không kiêng cử, cũng không ép trẻ phải ăn như cha mẹ mong đợi. Nên chia nhiều bữa ăn trong ngày, số lượng ít hơn bình thường và thức ăn mềm dễ tiêu.
Đối với trẻ còn bú mẹ, cần tăng cường cho trẻ bú mẹ.
Cho trẻ uống đủ nước, đặc biệt nước ấm còn giúp làm loãng đàm và dịu họng.
Chủng ngừa đầy đủ cho trẻ, nhất là tiêm phòng Phế cầu, cúm mùa
Uống Vitamin A vào tháng 6 và tháng 12 hàng năm cho trẻ từ 6 tháng đến 3 tuổi
Vệ sinh không gian sống sạch sẽ, tránh nơi ô nhiễm, khói thuốc lá. Nếu sử dụng điều hòa ba mẹ nên chú ý điều chỉnh chênh lệch nhiệt độ trong nhà và ngoài trời từ 5 – 7°C để trẻ có thể thích ứng được.
Giữ cho trẻ thoáng mát khi trời nóng, ấm áp khi trời lạnh
----------------------------------------------
Bệnh viện Đa Khoa Tâm Trí Sài Gòn