Bác sĩ thường trực 0901 696 115
Hotline CSKH 0974 508 479
Giới thiệu về chúng tôi

CẤP CỨU THÀNH CÔNG BỆNH NHÂN SỐC PHẢN VỆ SAU KHI DÙNG THUỐC KHÁNG SINH

Thứ sáu, 25/08/2023, 16:30 GMT+7

Chị N.H.T (sinh năm 1980, cư trú tại huyện Hóc Môn) bị sốc phản vệ độ 3 sau khi truyền kháng sinh ceftriaxone trong quá trình điều trị viêm phổi. Nhờ phát hiện và xử trí kịp thời từ đội ngũ Y bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Tâm Trí Sài Gòn, bệnh nhân đã vượt qua cơn nguy kịch tính mạng và hồi phục sức khỏe sau 2 ngày điều trị.

Vào lúc 18 giờ 53 phút ngày 19/08/2023, bệnh nhân nhập viện được chẩn đoán viêm phổi trong tình trạng cơ thể bị sốt cao, lạnh run, ho khạc đờm vàng, đau đầu nhiều, ăn uống kém. Trước đó, Bệnh nhân có dùng thuốc điều trị tại nhà nhưng không thuyên giảm. Bác sĩ không ghi nhận tình trạng dị ứng với bất kỳ nguyên nhân nào trước đây.

benh-nhan-soc-phan-veBác sĩ Trần Kim Kha kiểm tra tình trạng sức khỏe bệnh nhân sau khi hồi phục.

20 giờ 20 phút cùng ngày, Bác sĩ chỉ định truyền kháng sinh ceftriaxone pha loãng với nước muối sinh lý bằng máy truyền dịch hỗ trợ - đây là loại kháng sinh phổ rộng, thường được dùng điều trị các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn. Khoảng hơn 1 giờ sau đó, bệnh nhân có biểu hiện nôn ói kèm tiêu chảy, cảm thấy cơ thể khó chịu, bứt rứt, ngứa, đỏ da toàn thân, khó thở, huyết áp tụt còn 80/40mmHg.

Thấy bệnh nhân có biểu hiện lạ, người nhà nhanh chóng báo bác sĩ. Ngay lập tức, bác sĩ Trần Kim Kha (Bác sĩ chuyên khoa Nội - Hô hấp) cùng đội ngũ các bác sĩ khoa Cấp cứu - Hồi sức có mặt tại giường bệnh, phối hợp cấp cứu, xử trí hỗ trợ bệnh nhân qua khỏi cơn nguy kịch tính mạng.

Sau đó bệnh nhân được chuyển đến khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực để theo dõi và điều trị tiếp. Đến 22 giờ 30 phút ngày 21/08/2023, bệnh nhân tỉnh táo, tình trạng sức khỏe dần ổn định, tiếp tục điều trị nội khoa.

Kết luận chẩn đoán bệnh nhân bị sốc phản vệ độ III (tình trạng đe doạ tính mạng nghiêm trọng) trên nền viêm phổi - viêm đa xoang - lao phổi cũ, nghĩ nhiều do thuốc kháng sinh ceftriaxone.

hinh-anh-xquang-ctKết quả chụp X – quang và CT Scanner của bệnh nhân Thu vào ngày 21/08/2023.

Trực tiếp điều trị cho bệnh nhân N.H.T, bác sĩ Trần Kim Kha (Bác sĩ chuyên khoa Nội - Hô hấp) chia sẻ: “Hiện tại, sức khỏe bệnh nhân ổn định, các giá trị sinh tồn trong giới hạn bình thường, (huyết áp 120/80mmHg, mạch 70 lần/phút, thở 20 lần/phút, nồng độ oxy máu ngoại vi (SPO2) 96%). Không có bất kỳ than phiền nào, các vấn đề khiến bệnh nhân nhâp viện đã được giải quyết.”

Là người chăm sóc và theo dõi sát sao con gái trong suốt quá trình nhập viện điều trị, bà Phan Thị Xuân (mẹ ruột của bệnh nhân) không khỏi xúc động bày tỏ lòng cảm ơn chân thành đến đội ngũ Y Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Tâm Trí Sài Gòn đã kịp thời, tận tâm giúp con gái bà thoát cơn nguy kịch đe dọa tính mạng.

Bệnh nhân được chỉ định xuất viện vào chiều ngày 25/08/2023.

benh-nhan-tri-anBà Phan Thị Xuân – mẹ bệnh nhân N.H.T tặng quà tri ân bệnh viện vào ngày xuất viện.

Cũng vào chiều ngày 19/8/2023, bệnh nhân N.T.T (sinh năm 1987, ngụ tại huyện Hóc Môn) nhập viện cấp cứu tại bệnh viện Đa khoa Tâm Trí Sài Gòn trong tình trạng cơ thể bị choáng phản vệ do thuốc tân dược.

Theo lời người nhà anh T kể lại, anh T bị bệnh cảm nên nhờ người thân mua thuốc tại nhà thuốc về uống; không ngờ sau 1 giờ dùng thuốc, anh T có biểu hiện ngứa ngáy, bứt rứt cơ thể, nôn ói, tiêu chảy. Phát hiện điều bất thường, người nhà đã nhanh chóng đưa anh đến bệnh viện gần nhất để xử trí.

Qua hội chẩn, các bác sĩ khoa Cấp cứu - Hồi sức đã kết luận bệnh nhân N. T.T bị sốc phản vệ độ III nghi do thuốc tân dược và tiến hành xử trí theo đúng phác đồ sốc phản vệ.

Đến hôm sau, bệnh nhân đã tỉnh táo và được chuyển đến khoa Nội tổng hợp của bệnh viện để tiếp tục theo dõi điều trị. Bệnh nhân T xuất viện ngày 23/08/2023 trong tình trạng sức khỏe ổn định, huyết áp 120/80 mmHg, ngứa ít.

Theo thống kê ghi nhận từ dữ liệu của Bệnh viện Đa khoa Tâm Trí Sài Gòn; thời gian gần đây bệnh viện cấp cứu nhiều trường hợp bị sốc phản vệ mức độ nặng (đe doạ sinh mạng nếu không xử trí kịp thời) do dị ứng với thức ăn, người dân tự mua thuốc uống khi bị bệnh, các loại côn trùng chích, đốt và đã xử trí thành công tất cả các trường hợp tiếp nhận.

Bác sĩ Trần Kim Kha - Bác sĩ chuyên khoa Nội - Hô hấp – Bệnh viện Đa khoa Tâm Trí Sài Gòn cho biết thêm: Sốc phản vệ là một phản ứng không phù hợp hoặc quá mức của cơ thể với một chất, ngay cả khi chất đó vô hại (như thức ăn, thức uống hàng ngày).

Cơ thể con người có thể có phản ứng phản vệ ngay lần đầu tiếp xúc với chất gây dị ứng (dị nguyên) hoặc chưa có phản ứng gì khi tiếp xúc với dị nguyên lần đầu nhưng khi tiếp xúc với dị nguyên đó các lần sau thì phản ứng phản vệ lại xảy ra, khi đó trong cơ thể sẽ tạo ra một loạt các chất được giải phóng bởi hệ thống miễn dịch của cơ thể đẩy người bệnh vào tình trạng gọi là phản ứng phản vệ với các biểu hiện từ nhẹ đến nặng có thể đe doạ tính mạng (Anaphylactic shock - sốc phản vệ), biểu hiện tụt huyết áp, co thắt khí - phế quản (khó thở, tím tái)… 

Người đã từng bị sốc phản vệ nên thông báo cho người thân, người chung nhà biết tình trạng phản ứng dị ứng của mình để có hướng xử trí phù hợp trong cuộc sống, khuyến cáo những người này luôn giữ bên mình thẻ ghi tình trạng dị ứng và thuốc Adrenalin dạng bút dễ sử dụng và biết cách sử dụng nếu chẳng may rơi vào tình trạng phản ứng phản vệ nặng sau này.

-----------------------------------------------

Bệnh viện Đa Khoa Tâm Trí Sài Gòn


dathongbao