Wednesday, 30/10/2019, 08:09 GMT+7
Mỗi trẻ có cơ địa và tình trạng hăm tã khác nhau. Nếu bé chỉ bị hăm tã nhẹ, chưa xuất hiện mụn nước và các vết trợt, mẹ có áp dụng một số phương pháp dân gian, kết hợp với kem bôi chống hăm.
Mẹ có thể dùng một nắm lá trà xanh tươi rửa sạch, thêm chút muối và đun sôi. Nước lá trà xanh còn ấm có thể được dùng để tắm cho trẻ mỗi ngày một lần. Lá trà xanh có công dụng kháng viêm, chữa lành thương tổn trên da và giúp các vết trợt mau se.
Một cách khác là dùng 4 lá trầu không già vò nát đem đun với 2 lít nước và thêm một chút muối, để nước nguội tự nhiên sau đó dùng tắm cho trẻ hàng ngày. Nước lá trầu không có tác dụng kháng viêm, ức chế vi khuẩn và giúp các vết loét mau khô.
Mẹ cũng có thể lấy một nắm lá khế tươi rửa sạch đun thành nước tắm cho trẻ. Lá khế có tác dụng kháng viêm, tiêu độc và làm mát da.
Ngoài việc tắm nước lá, mẹ có thể kết hợp với các loại kem bôi dưỡng da cho trẻ. Làn da của trẻ nhỏ có cấu trúc rất mỏng manh và dễ bị tổn thương. Do đó, kem bôi cho bé nên là sản phẩm có nguồn gốc thiên nhiên để đảm bảo an toàn, không gây kích ứng.
Sau khi bé đi vệ sinh, mẹ nên lau rửa sạch và nhẹ nhàng cho bé bằng nước ấm, không dùng nước lạnh hoặc nước quá nóng vì có thể khiến da khô, bé thêm đau rát. Bé cũng cần được thay tã thường xuyên kể cả khi tã không bị bẩn.
Mẹ cũng cần chọn mua tã tốt và có khả năng thấm hút, đổi loại tã khi thấy bé có dấu hiệu bị dị ứng. Bên cạnh đó, việc giữ phòng ngủ luôn thông thoáng, độ ẩm phù hợp sẽ giúp bé cảm thấy dễ chịu cũng như phòng ngừa vi khuẩn và các yếu tố gây dị ứng xâm nhập.