Thứ ba, 29/08/2023, 16:28 GMT+7
Ung thư phổi (K phổi) là bệnh lý ung thư thường gặp nhất. Đây là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu do ung thư trên phạm vi toàn cầu. Ung thư phổi là ung thư phổ biến nhất ở nam giới cùng với ung thư gan.
Theo một số tài liệu, tỷ lệ mắc bệnh ung thư ở Việt Nam hiện cao thứ 2 thế giới. Số lượng mắc và chết vì ung thư tại Việt Nam có xu hướng ngày càng gia tăng. Tỷ lệ tử vong do ung thư tại Việt Nam là 73.5%, trong khi đó tỷ lệ này trên thế giới là 59.7%. Những con số này cho thấy rằng tỷ lệ tử vong do bệnh ung thư ở Việt Nam đang rất cao. Ung thư tại Việt Nam tăng nhanh theo thời gian và ngày càng trẻ hóa theo thời gian. Đa số bệnh nhân ung thư ở Việt Nam phát hiện bệnh muộn, dẫn đến phương pháp điều trị không mang lại kết quả cao.
Trong vài thập kỷ qua, tiên lượng bệnh nhân K phổi là rất kém, chỉ có 15% số bệnh nhân sống sót > 5 năm kể từ khi chẩn đoán. Đối với bệnh nhân giai đoạn IV (di căn), tỷ lệ sống sót trên 5 năm là < 1%. Hiện nay mặc dù đã có những tiến bộ trong điều trị K phổi nói riêng (và các loại ung thư khác nói chung). Nhưng nếu phát hiện trễ điều trị vẫn còn rất khó khăn và tốn nhiều chi phí. Điều quan trọng trong bệnh lý ung thư phổi là hạn chế tối đa yếu tố nguy cơ và phát hiện bệnh giai đoạn sớm .
Hút thuốc lá (HTL ) là yếu tố nguy cơ chính gây ung thư phổi. Hút thuốc gây ra 80% ca tử vong do ung thư phổi ở phụ nữ và 90% ở nam giới. Đàn ông hút thuốc có nguy cơ mắc ung thư phổi cao gấp 23 lần và ở phụ nữ là gấp 13 lần. Với người khỏe mạnh, HTL gây ra nguy cơ mắc bệnh cao. Với những bệnh nhân đã mắc K phổi mà vẫn tiếp tục HTL thì nguy cơ bệnh chuyển nặng càng lớn hơn, cơ hội sống sót cũng bị thu hẹp đi nhiều.
Người bị hút thuốc lá thụ động thường xuyên nguy cơ càng cao hơn người chủ động hút thuốc lá .
Có khoảng 15 đến 20% những người bị ung thư phổi chưa bao giờ HTL hoặc HTL rất ít.
Môi trường sống và làm việc là yếu tố góp phần gây ra bệnh ung thư nói chung, trong đó có ung thư phổi. Môi trường sống và làm việc nhiều bụi hóa chất, khí thải ô nhiễm ở các thành phố lớn do lưu lượng xe cộ nhiều, những người tiếp xúc nhiều với các loại thuốc bảo vệ thực vật, phân bón có yếu tố nguy cơ cao hơn liên quan đến ung thư phổi .
Những người có các bệnh lý mạn tính như: hen, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, dãn phế quản, viêm phế quản mạn, viêm phế quản tái phát nhiều lần và kéo dài. Lao phổi cũng có yếu tố nguy cơ cao hơn bị ung thư phổi .
Có người thân trực hệ bị K phổi hoặc các loại ung thư khác là điều cần phải quan tâm đi khám tầm soát sớm bệnh lý ung thư .
Phân chia tế bào là quá trình sinh lý xảy ra trong những điều kiện nhất định ở hầu hết các mô của cơ thể. Bình thường có sự cân bằng giữa quá trình tăng sinh và quá trình chết của tế bào. Cơ chế này được điều hòa một cách chặt chẽ để đảm bảo cho tính toàn vẹn của mô và cơ quan. Khi cơ chế điều khiển này bị pha vỡ sẽ dẫn đến tạo khối u với sự tăng sinh không kiểm soát và thường là nhanh chóng của tế bào sẽ dẫn đến tạo thành các khối u lành tính hay khối u ác tính. Đây là hậu quả của những đột biến trong quá trình tăng sinh >>> khối u. Ung thư là hậu qủa của một loạt các đột biến.
Về mặt tế bào học Ung thư phổi được chia thành ung thư phổi không tế bào nhỏ chiếm khoảng 80 – 85% và ung thư phổi tế bào nhỏ, chiếm khoảng 15 – 20%.
- Cơn ho kéo dài trên 2 tuần
- Ho ra máu
- Khàn giọng
- Khò khè, Khó thở
- Đau tức ngực mơ hồ, đau vùng vai, bả vai, gáy ...
- Mệt mỏi không có nguyên nhân rõ ràng .
- Gầy, sụt cân, chán ăn.
Biểu hiện ung thư phổi tùy thuộc vào vị trí và mức độ lan rộng của tổn thương. Trong giai đoạn đầu tổn thương còn khu trú, người bệnh thường không có triệu chứng đặc hiệu (rõ ràng, cụ thể), được phát hiện bệnh qua tầm soát bệnh hoặc tình cờ phát hiện khi thăm khám bệnh khác. Chỉ đến giai đoạn muộn hơn, u xâm lấn tại chỗ, tại vùng hoặc di căn xa mới gây ra các triệu chứng, nhưng chẩn đoán giai đoạn này thường là trễ .
- Giai đoạn 0: Ung thư biểu mô tại chỗ.
- Giai đoạn I: U kích thước nhỏ (thường dưới 3cm), bao quanh bởi nhu mô và màng phổi tạng, không có dấu hiệu xâm lấn gần hơn cuống phổi thùy / nội soi phế quản, không di căn hạch vùng, không có di căn xa.
- Giai đoạn II: U kích thước lớn hơn (trên 3cm nhưng dưới 5cm), hoặc có bất kỳ đặc tính sau: xâm lấn màng phổi tạng, xâm lấn phế quản gốc cách carina trên 2cm, có thể có hạch quanh phế quản, hạch rốn phổi trong phổi cùng bên, kể cả do xâm lấn trực tiếp.
- Giai đoạn III: U kích thước lớn hoặc bất kỳ xâm lấn trực tiếp vào thành ngực, cơ hoành, thần kinh hoành, màng phổi trung thất, màng ngoài tim, thực quản, phế quản gốc cách carina dưới 2cm, nốt di căn cùng thùy phổi, có thể có hạch trung thất cùng bên hoặc hạch dưới carina, chưa có di căn xa.
- Giai đoạn IV: Bệnh đã di căn ra thùy phổi đối bên, nốt màng phổi, tràn dịch màng phổi, một hoặc nhiều ổ ngoài lồng ngực.
Chẩn đoán thường được phát hiện bằng chụp X-quang ngực (Trễ), hoặc CT ngực (tương đối sớm-sớm).
Hóa sinh miễn dịch - xét nghiệm máu tìm chất chỉ điểm khối u (tumor marker ): Cyfra 21-1: K phổi (không tế bào nhỏ - tế bào nhỏ ) NSE, CA 15-3, CA 125, CEA, CA 27.29, TPA.
Chẩn đoán xác định bằng kết quả giải phẫu bệnh .
Tại BVĐK Tâm Trí Sài Gòn có thể chụp MSCT ngực và xét nghiệm các tumor marker để phát hiện sớm và theo dõi điều trị K phổi ( và các loại K khác).
- Tùy thuộc vào giai đoạn của bệnh, điều trị bao gồm phẫu thuật, hóa trị liệu, xạ trị, hoặc kết hợp nhiều phương pháp
- Chìa khóa để điều trị hoàn toàn đối với K phổi là phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm ( giai đoạn 0 – giai đoạn 1 )
- Đối với những bệnh nhân K phổi chẩn đoán ở giai đoạn đầu, tỷ lệ chữa khỏi có thể lên tới 80 – 90%.
- K phổi phát hiện giai đoạn trễ , điều trị rất khó khăn, hiệu quả không cao, chi phí rất đắt đỏ
Điều trị K phổi theo nguyên tắc cá thể hóa, cân nhắc tất cả các yếu tố sau:
+ Bệnh lý: Giai đoạn bệnh, thể mô bệnh học và sinh học phân tử, diễn tiến sau các điều trị trước đó…
+ Bệnh nhân: Thể trạng, tuổi, bệnh kết hợp, hoàn cảnh kinh tế xã hội, nguyện vọng của bệnh nhân…
+ Điều kiện trang thiết bị, nguồn lực cơ sở y tế…
- Phẫu thuật: cắt trọn khối u hoặc 1 phần, nạo hạch vùng.
- Hoá trị liệu: có thể sử dụng trong các trường hợp trước phẫu thuật - sau phẫu thuật – không có phẫu thuật, ung thư phổi đã di căn, ung thư phổi tái phát .
- Xạ trị: có thể sử dụng trong các trường hợp trước – sau phẫu thuật, di căn, tái phát.
- Có thể phối hợp Phẫu thuật/ Hoá trị + xạ trị .
Liệu pháp nhắm trúng đích: Liệu pháp này ra đời vào khoảng những năm 2000 , dùng kháng thể đơn dòng hoặc các thuốc có trọng lượng phân tử nhỏ, tác động trực tiếp vào các tế bào đột biến gây ung thư phổi giúp nâng cao hiệu quả điều trị và hạn chế tác dụng không mong muốn.
Liệu pháp miễn dịch: Đây là phương pháp điều trị ung thư mới, sử dụng thuốc, vắc xin và các liệu pháp khác để kích hoạt khả năng phòng vệ tự nhiên của cơ thể chống lại ung thư. Trong cơ thể người, hệ thống miễn dịch tự nhiên của cơ thể có khả năng nhận biết và tiêu diệt các tế bào phát triển không bình thường. Do đó sẽ ngăn chặn được phần lớn sự hình thành của các tế bào ung thư. Tuy nhiên, các tế bào ung thư lại “khôn khéo“, “trốn tránh” sự nhận diện này bằng cách thay đổi cấu trúc gene, mã hóa protein (đột biến). Liệu pháp miễn dịch dựa trên cơ chế này tác động vào cơ thể nhằm làm tăng khả năng nhận diện của tế bào miễn dịch đối với tế bào u và từ đó tiêu diệt chúng theo cơ chế tự nhiên. (giải Nobel sinh lý học và Y học 2018).
Mặc dầu đã có những tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị, nhưng vấn đề cốt lõi trong bệnh lý ung thư phổi là hạn chế tối đa yếu tố nguy cơ gây bệnh và phát hiện bệnh giai đoạn sớm. Hãy đến với phòng khám chuyên khoa hô hấp Bệnh viện Đa khoa Tâm Trí Sài Gòn nhằm phát hiện sớm bệnh lý ung thư phổi, giúp xua tan đi nỗi lo lắng và sợ hãi về căn bệnh này, góp phần cho cuộc sống của bạn an vui mỗi ngày và lâu dài.
-----------------------------------------------
Bệnh viện Đa Khoa Tâm Trí Sài Gòn