Thứ ba, 11/10/2022, 14:12 GMT+7
Điều trị thoát vị bẹn
Thoát vị bẹn là hiện tượng tạng trong ổ bụng chui qua ống bẹn hay qua điểm yếu tự nhiên của thành bụng vùng trên nếp bẹn ra dưới da hay xuống bìu. Thoát vị nói chung gặp trong khoảng 5% dân số thế giới. Trong đó thoát vị bẹn chiếm khoảng 80% trong tổng số các loại thoát vị. Trong thoát vị bẹn, nam giới bị gấp 7-8 lần nữ giới.
Các nguyên nhân chính gây thoát vị bẹn là:
Tồn tại ống phúc tinh mạc: Ống phúc tinh mạc là phần kéo dài của phúc mạc trong quá trình di chuyển từ trong ổ bụng xuống bìu của tinh hoàn ở bé trai. Bình thường ở cuối thai kỳ bào thai, ống phúc tinh mạc sẽ tự teo lại thành một sợi xơ. Nếu ống phúc tinh mạc không đóng lại, ruột và các tạng trong bụng có thể chạy xuống vùng bẹn-bìu trong ống, gây thoát vị bẹn bẩm sinh. Đây là nguyên nhân gây thoát vị bẹn ở trẻ em, hiếm khi gặp ở người lớn. Thoát vị bẹn do tạng đi qua ống phúc tinh được gọi là thoát vị bẹn trực tiếp.
Thoát vị bẹn do áp lực trong ổ phúc mạc tăng, thành bụng yếu do các nguyên nhân như bụng báng, mang thai, bướu trong ổ bụng, ho kinh niên, táo bón thường xuyên, rặn tiểu, làm công việc nặng nhọc, suy dinh dưỡng, gầy ốm, mô lão hoá...Dạng thoát vị bẹn này được gọi là thoát vị bẹn gián tiếp.
Khi bị thoát vị bẹn, người bệnh có cảm giác nặng nề, tăng áp lực lên phần chậu. Triệu chứng đặc trưng nhất là xuất hiện khối phồng vùng bẹn. Khối phồng này to lên, gây đau nhói, khó chịu khi làm việc nặng, rặn, chạy, nhảy,... và biến mất khi nằm, nghỉ ngơi. Thoát vị bẹn nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, sẽ gây nhiều biến chứng nguy hiểm đe dọa tính mạng. Trong đó, biến chứng nguy hiểm và thường gặp nhất là thoát vị nghẹt, gây hoại tử ruột, mạc treo ruột.
Đến nay, đã có nhiều phương pháp phẫu thuật được ứng dụng trongđiều trị thoát vị bẹn như phẫu thuật mổ mở sử dụng mô tự thân (Bassini,Shouldice...) hay dùng tấm nhân tạo (Lichtenstein). Năm 1974 Lichtenstein và Shore, mô tả kỹ thuật dùng tấm lưới có dạng như một cái dù hoặc hình nón polypropylene để điều trị thoát vị đùi và thoát vị bẹn tái phát. Năm 1989-1992 Robbins và Rutkow đã sử dụng tấm lưới dạng hình nón điều trị thoát vị bẹn. Năm 1969, Stoppa mô tả kỹ thuật dùng tấm lưới lớn điều trị thoát vị bẹn hai bên. Năm 1986, Lichteinsten dùng tấm lưới đặt vào khoang tiền phúc mạc để điều trị thoát vị bẹn, đạt kết quả tốt. Tuy nhiên, kể từ khiArregui báo cáo kỹ thuật đặt tấm lưới nhân tạo xuyên phúc mạc (TAPPTransabdominal preperitoneal) trong những năm đầu thập kỷ 1990 và sau đó là MacKernan và Law giới thiệu kỹ thuật đặt tấm lưới nhân tạo ngoài phúc mạc(TEP- Totally Extraperitoneal), với ưu điểm không tổn thương phúc mạc và tránh được nguy cơ tổn thương các tạng cũng như viêm dính ruột sau phẫu thuật, phương pháp phẫu thuật nội soi ngoài phúc mạc đã được hầu hết phẫu thuật viên lựa chọn
Ngày nay, phẫu thuật nội soi đặt tấm lưới nhân tạo đường vào hoàn toàn trước phúc mạc (TEP) được xem là lựa chọn hàng đầu đối với hầu hết các bệnh lý thoát vị bẹn. Đây là một phẫu thuật hiệu quả an toàn với tỷ lệ biến chứng & tái phát thấp, ở lại làm việc nhanh, ít đau so với mổ mở. An toàn, có tính thẩm mỹ cao, tỉ lệ tái phát tương đối thấp, thời gian nằm viện và thời gian trở lại sinh hoạt ngắn. Có hai loại tấm lưới polypropylene thường được sử dụng: ban đầu là tấm lưới nhân tạo phẳng 2D (B-Braun, Đức) và sau đó là tấm lưới nhân tạo 3D(Davol, Pháp) đã được triển khai ứng dụng
Do nhiều ưu điểm nên mổ nội soi đặt lưới nhân tạo điều trị thoát vị bẹn ngày càng được thực hiện phổ biến trên lâm sàng.
Các tai biến có thể gặp khi mổ nội soi đặt lưới nhân tạo điều trị thoát vị bẹn
Các biến chứng có thể gặp trong quá trình mổ và sau mổ đặt lưới nhân tạo điều trị thoát vị bẹn là:
- Rách phúc mạc là biến chứng thường gặp nhất trong khi phẫu thuật. Nếu chỗ rách nhỏ thì dùng một dụng cụ vén phúc mạc để tạo khoảng trống và không cần xử trí gì thêm. Nếu rách phúc mạc rộng, có thể cột túm chỗ rách bằng chỉ hoặc khâu lại.
- Tụ dịch sau mổ: Gặp với tỷ lệ 0.5-12.2%, tường tự hết sau 6-8 tuần. Không cần dẫn lưu để tránh tụ dịch sau mổ.
- Tụ máu: Xảy ra với tỷ lệ 5,6-16%, thấp hơn nhiều so với mổ hở. Chảy máu ít khi xảy ra tới mức độ cần truyền máu. Nếu khối máu tụ to, gây đau nhiều, có thể gây tê để rạch, lấy máu tụ.
Bí tiểu sau mổ xảy ra với tỷ lệ nhỏ hơn 3%, tổn thương bàng quang hiếm gặp <1%. Tổn thương bàng quang thường xảy ra khi cắt vào túi thoát vị trực tiếp.
- Biến chứng của tấm lưới như gập, di chuyển gây thoát vị phát. Phòng ngừa tình trạng này bằng sử dụng tấm lưới lớn, kích thước ít nhất 10x15cm, trải tấm lưới phẳng, không gập góc. Đề phòng nhiễm khuẩn tấm lưới bằng cách dùng kháng sinh dự phòng và thao tác đảm bảo vô khuẩn.
- Các biến chứng khác như tổn thương mạch máu, tổn thương thần kinh, tổn thương ống dẫn tinh, mạch máu tinh hoàn và viêm tinh hoàn,... có thể xảy ra nhưng tỷ lệ thấp và thường không nghiêm trọng.
Chăm sóc bệnh nhân sau mổ nội soi đặt lưới nhân tạo điều trị thoát vị bẹn
Sau mổ thoát vị bẹn, người bệnh cần nghỉ ngơi hoàn toàn, tránh vận động, việc vận động sớm sau mổ sẽ làm vết mổ bị ảnh hưởng, phục hồi chậm. Tái khám theo lịch của bác sĩ hoặc khi phát hiện các dấu hiệu bất thường như đau nhiều vùng bẹn, sốt cao, chảy máu,...
Bệnh nhân nên uống nhiều nước, chế độ ăn nhiều rau xanh, hoa quả tươi để cung cấp nhiều khoáng chất, vitamin, giúp tăng sức đề kháng. Chế độ ăn nhiều rau quả cũng giúp người bệnh nhuận tràng, ngăn ngừa táo bón. Đi đại tiện khi bị táo bón sẽ làm tăng áp lực ổ bụng, gây cảm giác đau đớn, khó chịu thậm chí có thể làm bục chỉ vết thương.
Bệnh viện Đa khoa Tâm Trí Sài Gòn với hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế hiện đại cùng đội ngũ chuyên gia, bác sĩ nhiều năm kinh nghiệm trong khám điều trị, người bệnh hoàn toàn có thể yên tâm thăm khám và điều trị tại Bệnh viện của chúng tôi.